Trong những công trình ban đầu, Freud chia tâm trí ra làm hai phần lớn: vô thức và hữu thức, sau này, ông có thêm một phần cấu trúc cũng thuộc vô thức nhưng là phần tiệm cận với hữu thức, đó là phần tiền ý thức. Từ mô hình ban đầu này, Freud đưa ra một hệ hình cụ thể hơn về cấu trúc nhân cách của con người, đó là một mô hình gồm ba phần chính: Id – Ego – Superego, mà các bản dịch Việt thường dịch là: Cái Nó – Cái Tôi – Cái Siêu Tôi.

Id

Bao gồm mọi thứ hiện diện tại thời điểm trẻ sinh ra, được cô đặc trong kết cấu của chính nó, trên tất cả đó là bản năng, nguồn gốc từ tổ chức cơ thể và được tìm kiếm như một mặt của hệ thống tâm trí xuất hiện trong hình thái rất khó tiếp cận đối với những thăm dò của chúng ta hay như Freud đã viết: Nó là bóng đêm, một phần nhân cách rất khó tiếp cận, một phần nhỏ chúng ta có thể nghiên cứu từ phân tích giấc mơ và cấu trúc của những triệu chứng loạn thần kinh và hầu hết mang tính đối lập với những đặc tính của Ego: Nó hỗn độn (chao), như một mảng tháp chứa đầy những kích thích luôn xáo động. Nó chứa đầy ắp năng lượng dồi dào từ những bản năng, nhưng không được tổ chức, những sản phẩm đầu ra không có chọn lọc bằng ý chí, một sự đấu tranh để mang những nhu cầu bản năng cần được thỏa mãn mà chủ thể phải tuân thủ theo nguyên tắc khoái lạc (pleasure – principle).

Ego

Một cấu trúc được quy chiếu đến những phần kết cấu của hệ thống tinh thần, đối lập với kết cấu phi tổ chức là cái Nó (Id). Ego là một phần của cái Nó được cải biến bởi những hiệu ứng trực tiếp từ thế giới bên ngoài. Ego hiện diện qua những gì có thể gọi là lý trí, những cảm giác thường nghiệm, đối lập với cái Nó, nơi chứa những lực cần thỏa mãn… Nó được so sánh như người cầm cương điều khiển một bầy ngựa khỏe mạnh. Hầu hết các nhà phân tích về sau phân tích ego ở những khía cạnh mang nhiều điểm tương đồng, ta có thể kể đến một vài quan điểm. Thứ nhất một cấu trúc toàn thể: “nền tảng nhân cách của trẻ bao gồm một ego động lực bất khả phân chia, hay ego là một phần của nhân cách có liên hệ với đối tượng hay được định khuôn bởi quá trình nội nhập [introjection] đối tượng. Một quan điểm khác nhận định ego là một phần nhân cách được kinh nghiệm như một tồn tại tự thân, được xem như “I”.

SuperEgo

Cái siêu tôi được định nghĩa như một phần của cái tôi trong chiều kích cái tôi [ego] tự – quan sát chính mình, cái tôi tự phân tích và được tham chiếu đến một số hoạt động phát triển khác. Phần của cái tôi trong sự nội nhập chức năng các vai trong gia đình được định vị. Freud vẫn duy trì vấn đề tự quan sát chính mình của ego phụ thuộc vào sự đồng hoá vô thức của trẻ với cha mẹ. Super-ego khác so với ý thức ở những mặt: Thứ nhất, nó thuộc một khung tham chiếu khác, siêu tâm lý không phải đạo đức. Thứ hai, nó bao gồm những nhân tố vô thức, các cấm kị và sự ức chế phát sinh từ quá khứ của chủ thể có thể gây xung đột với các giá trị hiện tại. Không thể duy trì quan niệm siêu tôi là một bản sao chính xác của hình thái cha mẹ mà trẻ nội nhập kể từ khi tiến trình đồng hóa vô thức thích hợp diễn ra trong giai đoạn phát triển sớm, khi trẻ được ban tặng những đối tượng với chính tính cách của mình. Kết quả là, tính khắc nghiệt hay những cảm giác khó chịu của siêu tôi xuất phát từ [ít nhất 4 phần] những xung động của chính những cảm nhận chủ thể thời thơ ấu. chúng ta giả thiết rằng năng lượng của siêu tôi xuất phát từ Id, xu hướng đấu tranh cung cấp một lối thoát cho các xung động gây hấn mạnh mẽ của chủ thể.

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply