Hầu như mọi người hiện nay đều cho rằng, trẻ nhỏ thông minh hơn, biết nhiều hơn so với những thế hệ ngày trước. Nhưng ngược lại, chúng cũng ngang ngược và bất trị hơn, hơn nữa, tỉ lệ trẻ có vấn đề về phát triển ngày càng tăng, các trung tâm tâm lý mọc lên như nấm, đó cũng là mảnh đất dành cho những cá nhân làm chuyên môn về trẻ nhỏ.
Kinh nghiệm, kiến thức xã hội, dân trí người dân ngày một tăng cao. Mỗi người trong chúng ta đều có thể làm một “chuyên gia” về bất kì một vấn đề gì nếu chúng ta chịu khó đọc tin tức báo chí hay lên google search, thế giới đang nằm trong tầm tay của chúng ta. Trẻ nhỏ được sinh ra trong dòng chảy ấy, chúng được truyền thụ lại một cách vô thức những kinh nghiệm tích lũy và kiến thức của biết bao thế hệ trước, trẻ được tiếp xúc với nhiều loại hình kiến thức, nhiều trò chơi giải trí, nhiều đồ công nghệ… đương nhiên, trẻ sẽ nhanh và hiểu biết nhiều hơn thế hệ trước. Những thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ cũng đầy đủ và bổ dưỡng hơn, một hạt mầm được lớn lên trong một mảnh đất tốt sẽ phát huy được hết tối đa sức sống của nó.

Điều kiện tối ưu như thế nhưng tại sao trẻ lại càng có nhiều vấn đề phát triển?
Thứ nhất, có tràn ngập các phương pháp nuôi dạy trẻ hiện nay. Truyền hình, internet, sách báo… nói về cả chục phương pháp nuôi dạy trẻ khác nhau: nuôi dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu khoa học, kiểu truyền thống, kiểu của những cha mẹ thành công, kiểu EASY… Ngày trước, các bậc cha mẹ nuôi con bằng phương pháp “bản năng”, thấy điều gì tốt cho con thì làm, có lẽ chẳng theo phương pháp nào hết. Mà nếu hiện nay nhiều phương pháp thế, dẫn đến loạn, nhiều cha mẹ không biết chọn cho mình một phương pháp nào cho phù hợp với con của mình. Rồi truyền tai nhau, áp dụng lấy một phương pháp và coi như kim chỉ nam để nuôi dạy con của mình. Khoa học thế, bài bản thế tại sao vẫn có nhiều trẻ bị thiếu chất, nhiều trẻ có những vấn đề về cơ thể, ăn ngủ thất thường, quấy khóc?… Các bậc cha mẹ dựa vào các phương pháp mà quên mất chính vai trò quan sát trẻ của mình và quên mất luôn đứa trẻ, các cha mẹ đã bao giờ dừng lại và tự hỏi: Con của tôi thực sự cần gì? Chúng ta không phê phán những phương pháp nuôi dạy, tính khoa học của nó có thể đã được kiểm chứng hoặc có thể là chưa. Chúng ta cứ áp dụng bừa vào và không quan tâm phương pháp ấy có phù hợp với con của mình không? Mỗi trẻ có một nền thể chất, các cữ phát triển, đặc điểm cơ thể, khả năng phản ứng riêng… Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là quan sát thật kĩ trẻ của mình để hiểu trẻ, tìm hiểu trẻ cần được đáp ứng điều gì, có thể áp dụng một số phương pháp nuôi dạy trẻ cha mẹ đọc được nhưng không thể cứng nhắc. Mỗi trẻ sẽ có một phương pháp nuôi dạy riêng.

Thứ hai, các lý thuyết tâm lý học đều khẳng định trẻ chỉ có thể phát triển một cách bình thường trong một môi trường được tiếp xúc với những người xung quanh khác, bao quanh trẻ là những tác nhân kích thích liên quan đến con người tác động trực tiếp vào các giác quan của trẻ, đặc biệt là thị giác và thính giác trong những năm phát triển đầu đời. Lý thuyết “Giai đoạn gương” của Lacan cho chúng ta thấy trẻ học những tập tính bằng cách nhìn người khác như những tấm gương để bắt chước những hành vi, ngôn ngữ… điều mà chúng ta gọi là “người”, đó là một quá trình phức tạp chuyển từ phần con sang phần người. Nhiều phụ huynh hiểu lầm rằng cứ cho trẻ ăn uống đầy đủ, đáp ứng nhu cầu vật chất là trẻ sẽ phát triển bình thường, đó là một lối nghĩ sai lầm, trẻ cần được tiếp xúc da thịt với người chăm sóc, được âu yếm, yêu thương, được trò chuyện, chơi cùng những trẻ khác, tiếp xúc với nhiều người… trẻ mới có thể phát triển bình thường. Những thứ trẻ tiếp xúc phải là thế giới “thực“. Trẻ hiện đại được tiếp xúc quá nhiều với thiết bị công nghệ thông minh: điện thoại, ipad, máy tính… chúng thích thế giới đó hơn thế giới thực bên ngoài bởi sự thú vị của nó. Nhiều cha mẹ quá bận hoặc do lười để mặc trẻ chơi với đồ máy móc thông minh cả ngày, chúng mất kết nối với thế giới thực, từ đó nảy sinh rất nhiều vấn đề phát triển: những trẻ chậm phát triển, chậm ngôn ngữ, mất ngôn ngữ hay tự kỉ… đều có nguyên nhân liên quan đến việc mất thực tại này.

Thứ ba, nhiều trẻ nhỏ có bố mẹ có “vấn đề”. Trong quá trình lớn lên của trẻ, cảm xúc là một yếu tố vô cùng quan trọng, cảm xúc quyết định đời sống nội tâm và sự phát triển của trẻ, nó có thể gây hứng thú cho trẻ phát triển là người, cũng có thể là căn nguyên khiến đình trệ quá trình phát triển. Thế giới nội tâm của trẻ được hình thành từ quá trình tiếp nhận những cảm xúc của người chăm sóc ban đầu, cảm xúc của người chăm sóc ban đầu sẽ truyền sang trẻ, trẻ không thể tự quyết định được cảm xúc nội tâm của mình. Vì thế, những trẻ có vấn đề có thể là do cha mẹ có vấn đề. Có những bậc cha mẹ bị các vấn đề cảm xúc: trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, ám ảnh… con của những bậc cha mẹ này có nguy cơ rất cao bị những vấn đề phát triển do sự đồng nhất cảm xúc và cơ chế bắt chước. Một số cha mẹ không kiềm chế được cảm xúc của mình, họ nghĩ rằng họ đang dạy con “thương cho roi cho vọt”, nhưng kì thực họ đánh chửi con rất thậm tệ, có người bạo hành con. Chúng ta cần phân tách cảm xúc của chính mình và hành vi của trẻ, cha mẹ đang phạt trẻ vì cơn nóng giận của cha mẹ (Có thể họ đang bị stress hay ức chế gì đó mà không có chỗ giải tỏa) hay trẻ thực sự mắc lỗi?

Trẻ nhỏ thường là niềm hi vọng của cha mẹ, có trẻ được mong muốn sinh ra, có trẻ là sản phẩm của những sai lầm, có những trẻ sinh ra trong sự chối bỏ… Dục vọng của cha mẹ đặt lên đứa trẻ nhưng nhiều cha mẹ đặt gánh nặng lên cho con bằng cách ép con thực hiện những ước mơ mà đời cha mẹ không thực hiện được. Mong một ngày nào đó, tất cả trẻ nhỏ đều được nhìn nhận giá trị và thế giới trẻ nhỏ được tôn trọng.