Juan-David Nasio là một nhà tâm thần học, phân tâm học người Argentina, những cuốn sách của ông chịu ảnh hưởng bởi Lacan. Người đọc Nasio có thể tìm được những kinh nghiệm thực tế bằng lối viết bám sát những kinh nghiệm lâm sàng, những câu chữ bình dị, có lẽ Nasio cố gắng áp dụng những lý thuyết vô cùng phức tạp của Lacan nhằm mang đến cho người đọc một lối vào nhẹ nhàng phân tâm tâm học Lacan. Sau đây là những trải nghiệm thú vị của Nasio khi bắt đầu đến Pháp và bắt tay vào học tiếng Pháp.

“Khi tôi đến Paris, tôi không biết một từ tiếng Pháp nào. Lúc đầu, cũng như mọi người, tôi học tiếng Pháp ở Alliance Francaise. Sau đó, tôi đọc cuốn sách tiếng Pháp đầu tiên, đó là cuốn Écrits của Lacan. Cuốn sách này quá phức tạp kể cả đối với người Pháp bản địa. Nếu bạn mở cuốn sách Écrits cũ của tôi, bạn sẽ thấy hầu hết các từ được dịch và viết ở lề bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi bắt chước Demosthenes _người có tật nói lắp, ông đã đặt những viên đá ở miệng để học nói. Nhờ cách đó, ông đã trở thành một nhà hùng biện nổi tiếng Hi Lạp cổ đại. Về phần tôi, tôi đặt những viên đá “Lacanian” ở miệng để học nói tiếng Pháp.
Đây là một bí mật thật sự: Tôi ngồi hàng giờ đồng hồ để chép những tác phẩm kinh điển Pháp. Tôi chép không ngừng, toàn bộ thời gian, giống như một vị thầy tu thời Trung Cổ dành cả đời để chép Thánh Kinh. Tôi tự nhủ: ‘Tôi phải học được tiếng Pháp, tiếng Pháp phải thấm nhuần vào tận xương tủy của tôi’. Tôi sao chép và sao chép, sao chép trong hư vô mà tôi chưa hiểu ý nghĩa của các văn bản. Tôi lại sao chép những bản đẹp nhất của Maupassant, Victor Hugo, Mallarmé và những tác giả văn học kinh điển khác. Đó là điều cần thiết để tôi thấm nhuần tiếng Pháp, không chỉ qua đôi mắt mà cả bàn tay. Được nạp đầy năng lượng từ những văn bản, tôi giống như một chiếc xe đồ chơi đã lên dây cót, chiếc xe có thể chạy phăng phăng ngay khi được thả tay ra. Tiếng Pháp đã dần trở thành một phần tự nhiên bên trong tôi. Năm 1969, khi đến Pháp, tôi đã viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng chỉ sau một năm, tôi không còn viết dòng nào bằng tiếng mẹ đẻ nữa, tôi chỉ viết bằng tiếng Pháp…”
- Nguồn: Oedipe, Juan-David Nasio, 2010 –