Phân tâm học là gì?

Phân tâm học là một ngành nghiên cứu và thực hành trị liệu tâm lý. Thuật ngữ này được đặt ra bởi một bác sĩ người Áo gốc Do Thái Sigmund Freud năm 1896, ông cũng là người sáng lập ra Phân tâm học.

Phân tâm học nghiên cứu về tâm lý người với sự khai phá ra vô thức (unconscious). Freud không phải người đầu tiên nghiên cứu và phát triển khái niệm về vô thức, nhưng ông là một người có tham vọng nâng tầm nghiên cứu vô thức thành một ngành khoa học với những nguyên tắc chính xác.

Từ khi ra đời cho đến nay, Phân tâm học đã trải qua hơn một trăm năm với rất nhiều biến động lớn. Trong những buổi mới hình thành, lý thuyết của Freud bị chỉ trích dữ dội bởi quan điểm cho rằng con người không phải là chủ nhân trong chính ngôi nhà của mình. Thời đại Victoria, thời đại của lý trí_nơi con người là hiện thân của những vẻ đẹp chân thiện mĩ, của kỉ luật, lý trí với những quan niệm rằng khoa học có thể giải quyết được tất cả những vấn đề trong cuộc sống con người. Lý thuyết của Freud mang tính cách mạng lớn, có thể đứng ngang hàng so với những cuộc cách mạng lớn của nhân loại, làn sóng thứ ba sau thuyết nhật tâm của Copernic_trái đất không còn là trung tâm của vũ trụ và thuyết tiến hóa của Darwin_con người tiến hóa từ động vật. Dù bị phản đối nhưng sức hút của Phân tâm học đã lan rộng đến từng ngóc ngách của những lý thuyết cũng như đời sống hằng ngày của chúng ta. Hầu như ai cũng biết đến thuật ngữ vô thức và càng ngày người ta càng nhận ra rằng trẻ nhỏ cũng có những kích thích nhất định trên cơ thể có liên quan đến tính dục.

Sau Freud, có rất nhiều thế hệ nhà phân tâm đã đi theo con đường nghiên cứu vô thức và đã có rất nhiều đóng góp để khám phá về chính con người (ai cũng biết rằng điều khó nhất là hiểu về chính mình). Các phân nhánh của Phân tâm học sau này xuất phát từ những ý tưởng mang tính cách mạng của Freud: Tâm lý học Cái Tôi (Ego-psychology) của Anna Freud; nghiên cứu về Ego và các cơ chế phòng vệ; nhánh Mối quan hệ đối tượng (Object-relations) của Melanie Klein nghiên cứu sự phát triển nhân tính gắn với những đối tượng trong dòng phát triển cá nhân; Tâm lý học phân tích (Analytical psychology) của Carl Jung kết hợp nghiên cứu vô thức và gốc tích những thần thoại, truyện cổ, tôn giáo… và đặc biệt, nhánh phân tâm học Lacan với tuyên bố “Return to Freud”, hệ thống lại toàn bộ phân tâm học dưới những cột trụ lý thuyết quan trọng trải dài nhiều ngành khoa học: Toán học, Ngôn Ngữ học, Nhân Chủng học, Tập Tính học…

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của Phân tâm học trong sự phát triển của nhân loại. Phân tâm học có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc chữa trị những người có vấn đề bệnh lý tinh thần (Psychopath). Phân tâm học cũng là nền tảng để nghiên cứu các vấn đề văn hóa xã hội, có đóng góp những nguyên lý quan trọng để nghiên cứu văn học, triết học, nghệ thuật, kiến trúc…