B, 21 tuổi, hiện đang là một sinh viên đại học. Em đến trị liệu trong tình trạng vô cùng lo âu, em luôn luôn bị một “lực” cưỡng ép từ tâm trí khiến em rửa tay liên tục, tình trạng kéo dài cả năm trời khiến em không thể chịu đựng nổi, em rửa tay nhiều đến nỗi những dấu vân tay trên bàn tay em bị mờ đi. Cứ 5,10p em lại muốn rửa tay một lần, những lần tắm của B. kéo dài cả tiếng đồng hồ, gần như em ôm trọn phòng tắm cả ngày. B ở chung với một bạn cùng phòng, triệu chứng rửa tay của em làm ảnh hưởng lớn tới người bạn cùng phòng, khiến bạn ấy rất khó chịu. Mỗi khi em cố gắng không rửa tay, cơ thể em xuất hiện trạng thái lo lắng, sợ hãi, đôi khi em bị run lên và có tiếng nói trong đầu “nếu mày không rửa tay, mẹ của mày sẽ bị tai nạn chết”. B biết tiếng nói đấy không phải từ một người thực nào nói ra, nó là những dạng suy nghĩ xuất phát từ trong đầu của B. Những cơn lo âu ảnh hưởng sâu sắc tới những hoạt động sinh hoạt thường ngày và việc học của B. Khi ra khỏi nhà, B cảm sợ hãi khi phải dùng tay đụng chạm những đồ vật ở nơi công cộng, em thường mặc một chiếc áo dài quá khổ tay để tránh tiếp xúc trực tiếp khi đụng chạm vào vật của người khác, em không dám chạm trực tiếp vào tay cầm trên xe bus. Chỉ đồ vật cá nhân quen thuộc của B mới khiến em yên tâm khi đụng chạm vào trực tiếp.

B có một người bố vô cùng hà khắc, em không được tự mình quyết định bất cứ việc gì. Từ nhỏ, bất kì việc gì em làm, bố B cũng nhận xét và nhắc nhở, có vẻ như bố không hài lòng với B, bố B muốn B trở nên hoàn hảo, dù B có cố gắng thế nào cũng không được sự công nhận của bố. Mẹ B là lại là một người có xu hướng lo âu, bà luôn lo lắng con mình có thể bị tổn hại, bị tổn thương khi ra ngoài đi học, sợ con không thể xử lý được những vấn đề của cuộc sống, thành ra, bà lo toan và làm hộ B nhiều thứ.

Qua quá trình trị liệu tâm lý, tôi nhận thấy những triệu chứng của B là một sự phản ánh của cấu trúc gia đình. Những sang chấn trong gia đình, sự kiểm soát “bất thường” của bố và những nỗi lo âu của mẹ khắc ghi vào cấu trúc vô thức, ghi vào chính cơ thể của B. Nhà trị liệu tâm lý cần tìm ra những cơ chế vô thức ẩn sâu sau những triệu chứng. Khi B nhận thức được những cơ chế vô thức, vấn đề lo âu có thể được xử lý. Những cơn lo âu vô thức dẫn tới những triệu chứng rửa tay nhiều lần, sợ hãi khi đụng chạm vào những đồ không phải của mình. Khi xử lý được những cơn lo âu, những triệu chứng cơ thể có thể lắng xuống.

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply