Nhà Phân tâm làm việc với những phương pháp đặc trưng so với những cách tiếp cận khác. Những người bạn có thể đưa ra những lời khuyên cho người bạn đang gặp rắc rối của mình. Nhân viên xã hội hướng tới mục đích thay đổi môi trường của bệnh nhân, hệ thống xã hội. Nhà tham vấn khủng hoảng sử dụng phương pháp can thiệp hành vi, họ đưa ra những chỉ dẫn trực tiếp cho bệnh nhân. Linh mục hướng bệnh nhân tới sức mạnh tâm linh, những chỉ dẫn mang tính chất tôn giáo. Nhà tham vấn tập trung giải quyết các vấn đề hằng ngày của thân chủ, họ nhấn mạnh tới những cảm nhận chung của thân chủ. Những nhà chuyên môn đó hành động như một huấn luyện viên, một người bạn chuyên gia hay một mentor. Nhà tâm thần học và bác sỹ kê đơn thuốc nhằm điều chỉnh tâm trạng của bệnh nhân, giảm bớt sức ảnh hưởng của các triệu chứng trên bệnh nhân. Nhà Phân tâm sẽ sử dụng những cách tiếp cận trên nếu như họ cảm thấy cần thiết. Tuy nhiên, hướng trị liệu của Phân tâm học khá khác biệt.
Liệu pháp Phân tâm học dựa trên lý thuyết của Sigmund Freud và những người kế thừa ý tưởng của ông. Có thể nói, Freud là một trong những ông tổ khai sinh ra trị liệu tâm lý nói chung, chữa bệnh tinh thần thông qua sử dụng ngôn ngữ. Lý thuyết của Freud nói về động năng vô thức, vô thức là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển nhân cách của con người, nó được định hình bởi những trải nghiệm thời thơ ấu. Sự ảnh hưởng trong giai đoạn nuôi dạy ấu thơ được nhiều cách tiếp cận tâm lý khác nghiên cứu, có thể nói là khởi đầu từ những ý tưởng của Freud.
Liệu pháp Phân tâm học nghiên cứu mối quan hệ liên cá nhân, đời sống nội tâm của bệnh nhân trong mối quan hệ với nhà Phân tâm và những người khác. Nhà Phân tâm sẽ phân tích những giấc mơ, những hình ảnh tưởng tượng của bệnh nhân khi thức. Bệnh nhân sẽ nói về “mọi thứ” khi nhà Phân tâm sử dụng “liên tưởng tự do”. Nhà Phân tâm sử dụng những nền tảng lý thuyết nhằm hiểu những suy nghĩ và cảm nhận của bệnh nhân về chính họ và người khác. Lý thuyết Phân tâm học cho rằng mọi hành vi và triệu chứng đều có nguồn gốc sâu xa từ vô thức. Những suy nghĩ, cảm nhận, tưởng tượng…dù là phi logic hay bị bóp méo đều được nghiên cứu cẩn thận. Đó chính là những con đường dẫn tới động cơ vô thức của tâm trí. Giấc mơ được phân tích thay vì bị bỏ qua, triệu chứng được phân tích kĩ càng thay vì cố gắng xóa bỏ. Đối với y học, các triệu chứng cơ thể là dấu hiệu rối loạn hay sai lệch các chức năng sâu hơn của cơ thể. Nhà Phân tâm cũng làm như thế khi phân tích các triệu chứng.
Nhà Phân tâm sẽ giúp bệnh nhân khám phá những ý tưởng vô thức về những điều quan trọng trong cuộc sống của họ, những dục vọng và cảm nhận của họ thông qua những sự kiện trong cuộc sống của bệnh nhân. Những nỗi sơ, lo âu, những khát vọng của bệnh nhân sẽ dần dần được hiểu thấu qua quá trình phân tích. Mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà Phân tâm được sử dụng như một kênh để hiểu đời sống tinh thần của bệnh nhân.
… (còn tiếp)…
Bên dịch từ: Robert Waska, Real People, Real Problems, Real Solutions, Routledge, 2005.