Bất kì ngành nghề nào, nếu đến tầm của nó, cũng là một nghệ thuật đích thực. Tinh thần thực sự của một môn nghệ thuật không hẳn phải đo lường mức độ tài năng của bạn trong ngành nghệ thuật đó, nhưng nó là cái tâm bạn dành cho nó như thế nào.

Một cuốn sách sâu về thiền, nhưng rất gần gũi. Chúng ta thường nghĩ về thiền bằng những hoạt động như hít thở, ngồi tĩnh, quán chiếu, buông xả… Văn hóa Nhật Bản đưa thiền vào mọi ngóc ngách của đời sống, từng sinh hoạt, đời sống cá nhân. Cuốn sách Thiền trong nghệ thuật bắn cung do một nhà triết học người Đức Herrigel viết trong quá trình ông theo học bắn cung của một vị đạo sư người Nhật. Cuốn sách không chỉ dành cho những người quan tâm về bắn cung, cuốn sách dành cho tất cả mọi người muốn học thực sự một môn nào đó. Khi bắt đầu học một nghệ thuật, chúng ta rất hứng thú với môn ấy. Nhìn những kĩ năng do người thầy, những người đi trước của mình biểu diễn, vừa nhẹ nhàng, vừa tinh xảo, chúng ta đầy mộng mơ nghĩ rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ đạt được những điều như họ. Nhưng khi bắt tay học thật sự, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn là từ bỏ vì nó quá khó. Khó không chỉ trong những kĩ năng, kĩ thuật, khó hơn là làm thế nào để tinh thần môn nghệ thuật đó có thể chuyển sang những hành động thực hành.

Bạn bắt đầu thấy nghi ngờ về chính mình, chẳng lẽ trước nay những thứ mà bạn có, bạn nghĩ là mình có đều chỉ là ảo tưởng, quá trình “phá giải chủ thể” bắt đầu, nghi ngờ, dằn vặt bản thân. Đó là tiến trình thứ nhất. Những nghi ngờ sợ hãi ấy bắt đầu lan ra những ý niệm khác về bản thân bạn, bạn thấy thất vọng cả về những thất bại của bạn. Rồi, bạn bắt đầu nghi ngờ chính người thầy của mình, những người đi trước. Bạn bắt đầu căng thẳng khi nghĩ rằng có thể họ đang giấu nghề, họ sợ mình biết những bí mật trong ngành, trong môn của họ. Rồi bạn bắt đầu e dè, trách móc, trong khi bạn đang rất có tâm theo đuổi môn nghệ thuật, những người chỉ dẫn bạn lại không muốn truyền dạy cho bạn nhiều điều. Giai đoạn này là giai đoạn dễ từ bỏ nhất, trong đầu bạn lặp đi lặp lại: Gì mà to tát, mỗi người chỉ giỏi một sở trường nào đó, bạn sẽ tìm một môn khác, một ngã rẽ khác.

Nếu kiên trì được và theo tiếp, bạn sẽ bước đến giai đoạn tiếp theo, bạn sẽ đạt được một vài thành công nhỏ nhỏ, bạn vui sướng như thể mình đã “đạt đạo” rồi, bạn bắt đầu kiêu ngạo, cho rằng mình đã học được môn nghệ thuật đích thực, mình hơn người. Khốn cho những kẻ học đến giai đoạn này thì bỏ dở chừng, bạn sẽ trở thành một kẻ rất quái đản và kệch cỡm.

Nếu bạn tiếp tục theo đuổi môn nghệ thuật, bạn sẽ bước vào các giai đoạn tuyệt vọng tiếp theo, phải nói là tuyệt vọng. Các bài tập sẽ bắt đầu khó lên, cần kết hợp, phối hợp nhiều kĩ năng cùng nhau trong một hoạt động. Đương nhiên bạn sẽ không làm được ngay, có năng khiếu thì chỉ cần một số lần bạn sẽ làm được, người bình thường thì phải tập cả trăm lần, cả ngàn lần. Bạn lại nghi ngờ bản thân, chắc mình chỉ tới đây thôi, mình không thể đạt được cái gì đấy cao hơn. Giai đoạn này bạn bắt đầu hiểu hơn về nghệ thuật, bạn có suy nghĩ từ bỏ nhưng cái hay của môn nghệ thuật thấm dần vào bạn, nó bắt đầu trở thành một phần thân thể của bạn và việc dừng lại cũng không phải dễ dàng.

Tiếp tục thực hành môn nghệ thuật, bạn sẽ trở thành một phần của nghệ thuật đích thực, càng ngày bạn sẽ càng khám phá ra được nhiều điều, không chỉ trong môn bạn theo học, nó sẽ lan tỏa cả cuộc sống của bạn. Đó không còn là việc bạn đạt được thành quả đến đâu, bạn thành công thế nào, bạn không còn so sánh với người khác nữa, bạn sẽ có một ý niệm: Nghệ thuật là cuộc sống của bạn.

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply