Barthes, Derrida, Foucault, Lacan là những ngôi sao sáng trong nền học thuật thế giới. Học thuyết của từng trong họ không thể đánh đồng với bất kì lý thuyết nào trước đó, chúng mang tính cá nhân cao độ, thâm sâu và không thể hiểu học thuyết của các tác giả này nếu như không vật lộn khổ sở trong nhiều năm với lý thuyết của họ. Họ quan tâm tới rất nhiều vấn đề khoa học, chủ đề trải dài trên nhiều lãnh vực từ triết học, văn học, tôn giáo, nghệ thuật, tâm lý học, phân tâm học, toán học, điện ảnh, nhân chủng học…
Cuốn sách Structuralism and the logic of dissent: Barthes, Derrida, Foucault, Lacan mở ra một lối vào đến với các Lacan, Foucault, Derrida và Barthes. Lối vào ấy cũng không phải con đường dễ đi, một nhập môn chất lượng không bao giờ là dễ thở đối với bất kì một người đọc nào. Để bước tới những cội rẽ sâu xa hơn của nhân sinh, những quy luật của con người, những hành vi, những phân tích các hiện tượng, các vấn đề đời sống… chúng ta cần một bước nhảy vượt qua chính mình, thách thức tất cả những truyền thống chúng ta biết trước đó, đả phá nền tảng của bản thân.
“Họ thay thế những cấu trúc hệ thống bằng cấu trúc của riêng mình, vạch ra một không gian mới của những khai phá và tự do. Lacan, Foucault, Derrida và Barthes đều phát triển những cấu trúc của ngôn ngữ và tư duy mang đặc trưng bằng những “khoảng hở”, đứt gãy, thách thức những ý nghĩa truyền thống bằng những khác biệt, đa dạng, đa hình thái, những cấu trúc phi xác định nhằm thay thế những nền tảng cố hữu trong kết cấu xã hội, trong đại học, nền móng kiến thức, ngôn ngữ họ được thừa hưởng. Logic những công trình của họ là logic của sự “đả phá”. Đó là một điều trớ trêu trong lịch sử, những hệ hình thay thế mang tính đả phá luôn sẵn sàng để bắt chước, tái lặp một vòng lặp vĩnh cửu biểu lộ những khai phá và tự do hướng tới một hình thái mới của học thuật và sự dồn nén”.
“Lacan, Foucault, Derrida và Barthes khiến người đọc phải chú ý một cách nghiêm túc tới những tác phẩm của họ. Họ viết để ngăn ngừa những người đọc chỉ nhìn lướt qua; để tiếp cận tư tưởng của họ, người đọc phải “quằn quại” với những văn bản khó nhằn, người đọc phải hoạt động tích cực để cấu trúc văn bản, tái sáng tạo ý tưởng khi đọc. Barthes tuyên bố rằng: độ khó và phi xác định của văn bản ngăn chặn người đọc tổng hợp nó một cách dễ dàng, tiêu hóa nhanh và ném văn bản đi. Người đọc không thể lướt qua Lacan, Foucault, Derrida và Barthes, chắt lọc từ những đoạn rời rạc rồi cất vào giá sách. Người đọc đọc đi đọc lại văn bản, nghiềm ngẫm nó, họ phải liên kết các dữ kiện như giải một câu đó hay một trò chơi trí tuệ. Người đọc phải dấn mình vào giải nghĩa những ẩn ý, tái cấu trúc mối liên hệ giữa các phần khác nhau, tìm kiếm những điểm mấu chốt của tác phẩm”