Có một số điểm tiếp nối trong lý thuyết tâm lý học phát triển của Erikson kế thừa Freud. Quả thực, năm giai đoạn phát triển của Erikson chính là sự phát triển mở rộng những giai đoạn phát triển tâm tính dục của Freud (Maier, 1988). Tuy nhiên, có những khác biệt quan trọng giữa lý thuyết của hai nhà tâm lý học kiệt xuất này.

Freud nhấn mạnh vai trò của vô thức (unsconcious) – cái Nó (id) trong định hình các hành vi. Freud đề cao mức độ phát triển tâm tính dục và nhìn sự phát triển của đứa trẻ trong mối liên kết bền chặt cha-mẹ-trẻ. Đối với Erikson thì ngược lại, ông nhấn mạnh tới khả năng thích ứng của cái tôi (ego) và đề cao sự phát triển xã hội. Thay vì sự phát triển liên lỉ trong sự đấu tranh trường kì giữa tiến trình vô thức và ý thức, Erikson quan tâm về những khủng hoảng cá nhân và xã hội như những điều kiện cần thiết cho sự phát triển cá nhân. Một cách ngắn gọn, mặc dù Erikson vẫn tiếp nối những nền tảng phân tâm học từ Freud, xong ông đã đảo ngược lại các giai đoạn phát triển tâm tính dục của Freud sang các lý thuyết phát triển tâm lý xã hội.

Erik Erikson (1902 – 1994) (nguồn: internet)

Sự khác biệt giữa hai nhà tâm lý còn đẩy xa hơn bởi có vẻ như Erikson có điểm nhìn tích cực hơn Freud trong lý thuyết phát triển con người. Có thể nói rằng, trong khi Freud chỉ ra những cách thức có thể dẫn tới những sai lệch trong sự phát triển, Erikson chỉ ra những con đường đúng đắn trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Chủ nghĩa tích cực của Erikson cũng đưa ra những điểm lý thuyết phát triển tâm lý quan trọng sau giai đoạn 6 năm đầu đời con người. Erikson (1980) tuyên bố rằng nguyên lý phát triển của con người diễn ra trong suốt dòng đời mỗi cá nhân. Ông coi mỗi cá nhân như những người giải quyết khủng hoảng xuyên suốt cuộc đời.

Biên dịch từ: Derek Hook, Erikson’s psychosocial stages of development. Jacki Watts, Kate Cockcroftand Norman Duncan (2015), Developmental psychology, JUTA, p.284

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply