3. Ronald Fairbairn

Trong khi cộng đồng Phân tâm học tại Anh và châu Âu đang hoạt động mạnh mẽ, có một nhà Phân tâm hoạt động đơn độc tại Scotland, ông không liên quan tới những xung đột nhóm và lý thuyết của cộng đồng Phân tâm học Anh. Đó chính là Ronald Fairbairn. Fairbairn khá tách mình so với dòng Phân tâm chính thống, cũng không tham dự nhiều các vấn đề nội bộ tổ chức Phân tâm trong những ngày ấy. Fairbairn là một người khá rụt rè và ít nói, không tương tác nhiều với những người thuộc tổ chức Phân tâm học. Nhờ sự tách biệt này kết hợp với công việc trị liệu trẻ nhỏ bị bạo hành, bị bỏ rơi đã dẫn ông tạo ra lý thuyết về sự ảnh hưởng của sang chấn và bản chất của gây hấn khác so với dòng lý thuyết chính đang thịnh hành. Cuối cùng, Fairbairn đã từ bỏ Phân tâm học cổ điển, ông xây dựng hệ thống lý thuyết của riêng mình: Hoạt động cơ chế phòng vệ cái Tôi (ego defence operations). Những ý tưởng của Fairbairn, khi chưa được biết tới rộng rãi, đã ảnh hưởng rất lớn tới truyền thống phát triển của Independent School.

Ronald Fairbairn (1889-1964)

4. Wilfred Bion

Những nét cuộc đời của Wilfred Bion được ghi chép trong hai cuốn tự thuật The long weekend (1982) và
All my sins remembered (1985) xuất bản sau khi Bion qua đời. Hai cuốn tự truyện này mang đến những điểm đáng ngạc nhiên về hành trình sống của Bion cũng như đời sống tư tưởng của ông. Bion hiện diện, hành động, những nỗ lực của ông trong cuốn tiểu sử không bao giờ quá cụ thể, gắn với thực kiện. Phần lớn hai cuốn tự thuật nhấn mạnh lý thuyết của Bion về “sự chứa đựng” và chức năng của “sự chứa đựng”. Bion viết như thể ông là “thùng chứa”, ông tiết lộ một chút nhỏ, nếu có bộc lộ, chỉ là những phản ứng của chính ông với thế giới hay với mọi người.

Bion sinh ra tại Ấn Độ năm 1897, ông và em gái được giáo dục tư. Theo chính sách ở các nước thuộc địa Anh, Bion được gửi đến Anh năm 8 tuổi, rời xa gia đình, xa quê hương Ấn Độ, ông vào học trường nam sinh. Ông là người có năng khiếu vượt trội ở các môn thể thao, một cậu bé thông minh nhưng luôn cô đơn.

Wilfred Bion (1897-1979)

Thế chiến I nổ ra, Bion đăng kí nhập ngũ với tư cách một sĩ quan, tuy nhiên ông bị từ chối vì thiếu địa vị xã hội. Thông qua sự can thiệp của giai cấp xã hội Anh, cuối cùng ông cũng được chấp nhận làm chỉ huy đội xe tăng khi mới 18 tuổi, ông chỉ huy những thành viên hơn 30 tuổi. Ông nhận được nhiều huân chương vì sự dũng cảm của mình.

Sau chiến tranh, Bion nghiên cứu lịch sử tại Oxford, những nghiên cứu của Bion ảnh hưởng lớn tới lý thuyết của ông sau này, cùng với nền tảng triết học vững chắc. Sau đó, Bion học y tại University College, London. Sự quan tâm đến Phân tâm học dần lớn mạnh nơi Bion, ông chịu sự phân tích của nhà Phân tâm học John Rickman và sau này là Melanie Klein. Bion liên hệ và chịu ảnh hưởng của Klein cho tới khi bà qua đời. Điều thú vị là những kiến thức y học của Bion hầu như không gắn với lý thuyết của ông. Ông chủ động loại bỏ mô hình y học trong quan sát Phân tâm học. Bion khẳng định kiên quyết rằng, không giống như y học, nơi một người có thể tuyên bố chắc chắn về tính độc nhất của mỗi cá nhân là không tồn tại, trường vực tâm trí không thể tuyên bố điều ấy. Con người là bể chứa của toàn bộ chức năng tâm trí. Một khía cạnh quan trọng trong lý thuyết của Bion nói rằng: trong khi chúng ta không thể quan sát các khía cạnh của chức năng tâm trí như loạn thần hay cảm xúc hận thù… những phần tâm trí đó vẫn hoạt động trong chúng ta.

Trong thế chiến II, Bion làm bác sĩ quân y điều trị những người bị sang chấn trong chiến tranh. Ông làm giám đốc của London Clinic of Psychoanalysis (1956-1962), chủ tịch của British Psychoanalytic Society (1962-1965). Năm 1968, Bion chuyển đến Los Angeles, đến năm 1979, Bion quay trở lại Anh và mất tại đây.

Biên dịch từ: Jacki Watts, Kate Cockcroft, Norman Ducan (Editors), Developmental psychology, Juta, 2013

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply