Bất kì ngành khoa học nào cũng có lịch sử phát triển lâu đời của nó. Để hình thành một hệ thống lý thuyết đồ sộ như hôm nay, Phân tâm học được đặt nền móng bởi rất nhiều lý thuyết gia kì cựu. Loạt bài viết này sẽ nói về một số nhân vật kì cựu trong Phân tâm học, đôi nét tiểu sử và lý thuyết của các tác giả kinh điển Phân tâm học.

1. Sigmund Freud

Thế kỉ XX, Áo là một quốc gia phồn thịnh dưới triều đại Hapsburg. Franz Joseph trở thành lãnh đạo đế quốc Áo – Hung năm 1867. Với việc ám sát cháu trai của mình tại Sarajevo năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất đã nổ ra, kết thúc thời kì thống trị và phồn thịnh của Áo. Năm 1900, thời điểm Freud xuất bản cuốn Giải mộng (The interpretation of dreams), thành phố Vienna được bao trùm bởi vẻ đẹp văn hóa Châu Âu lục địa. Phần lớn người dân Áo theo đạo Công giáo. Người Do Thái tại Vienna lúc này là một nhóm thiểu số thường xuyên bị kì thị. Ta có thể thấy rằng, hầu hết những người tiên phong trong Phân tâm học là người gốc Do Thái, những cá nhân này bị trải qua rất nhiều kì thị và ngược đãi trong xã hội. Freud và Klein lớn lên trong xã hội bài Do Thái. Năm 1882, Klein được sinh ra, một nhóm nam sinh Đức – Áo tuyên bố rằng dòng máu Do Thái là những người không có danh dự, dân Do Thái mất hết cảm giác tự trọng. Bối cảnh văn hóa ấy chính là nơi Phân tâm học được khai sinh. Grosskurth (1986) mô tả rằng Phân tâm học trong giới Do Thái trở thành một tôn giáo với những nghi thức riêng, nó đòi hỏi một sự trung thành vô điều kiện. Những nghiên cứu về vô thức và vai trò của sự dồn nén, gây hấn là những khái niệm công cụ để thăm dò và diễn giải những trải nghiệm bị áp bức của người Do Thái trong thời gian này.

Sigmund Freud (1856-1939) xây dựng quanh mình một vòng kín những người ủng hộ Phân tâm học. Freud là một người lãnh đạo quyền uy của nhóm này dù nhóm có những rạn nứt, bất đồng. Gay (1988) đã viết về cuộc đời của Freud, những vấn đề căng thẳng giữa những thành viên trong nhóm Phân tâm học đương thời, cuốn sách của Peter Gay là một tài liệu rất đáng đọc. Karl Abraham và Sandor Ferenczi là những thành viên trong nhóm nhỏ của Freud, nhóm này cũng bao gồm Otto Rank và Carl Jung. Tuy là một nhóm nhỏ nhưng nó đã ảnh hưởng đến thế giới quan Tây phương về nghệ thuật, văn hóa, quan niệm về bản chất con người. Thế giới phương Tây không còn nhìn mình được dẫn dắt bởi lý trí, ý thức, sự thống nhất hay các nguyên lý chăc chắn. Những người Châu Âu lục địa bị hai cú sốc lớn: Phân tâm học và Thế chiến II đã làm đứt gãy đời sống của họ. Phân tâm học mang đến những khám phá cách mạng:

  • Những lớp bên dưới kinh nghiệm ý thức và động cơ
  • Những hành vi phi lý của bệnh nhân rối loạn tâm căn (neurosis)
  • Ý nghĩa những triệu chứng của chứng hysteira, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay rối loạn lo âu
  • Chứng minh tầm quan trọng của giai đoạn ấu thơ trong sự phát triển nhân cách của một cá nhân trong suốt cuộc đời
  • Vai trò của đời sống tinh thần trong cấu trúc phát triển nhân cách.

2. Melanie Klein

Melanie Klein (1882 – 1960) sinh ra tại Vienna khi Freud đang làm việc với tư cách một nhà thần kinh học. Dù cuộc đời bà khá thành công song bà đã trải qua rất nhiều bi kịch và chết chóc. Đó là những cái chết của một chị gái, anh trai, của chính con trai Klein, cái chết của Karl Abraham_nhà phân tích đã phân tích cho Klein trong rất nhiều năm. Cuộc sống của Melanie thay đổi hoàn toàn sau khi bà đọc tác phẩm Giải mộng (1900) của Freud năm 1914 (Cuốn sách này đã làm nên nhiều nhà phân tâm học vĩ đại cũng như trong nhiều lĩnh vực khác). Từ thời điểm đó, bà dìm mình trong những suy tư Phân tâm học. Theo như những trang viết của Grosskurth (1986), con đường Phân tâm học là một động lực nhưng cũng gây nhiều khó khăn với một người phụ nữ trải qua nhiều bi kịch, bà cũng phải hứng chịu nhiều tư tưởng đối lập với quan điểm của mình. Melanie Klein hiện ra như một cá nhân được truyền cảm hứng mãnh liệt cũng như những chống đối gay gắt từ chính các đồng nghiệp của mình và gia đình Klein, đặc biệt là con gái của bà, Melissa. Melanie Klein trải qua hai cuộc phân tích dài: một với Karl Abraham và một với Ferenczi. Với sự khuyến khích của các nhà Phân tâm học nam, đặc biệt là Ernest Jones ở Anh, Klein là người tiên phong trong trị liệu phân tâm trẻ em qua liệu pháp trò chơi.

(Một điều đáng chú ý ở đây, trong khi phân tích cá nhân là điều kiện tiên quyết để trở thành một nhà Phân tâm học, riêng Freud không trải qua một cuộc phân tích nào. Freud tự phân tích chính mình chủ yếu thông qua những giấc mơ của ông.)

Năm 1925, Klein đến diễn thuyết tại Britain. Ý tưởng của Klein được đón nhận nồng nhiệt, phần lớn bởi Ernest Jones_người có những lý thuyết khá hòa hợp với quan điểm của Klein. Ernest Jones có một mối quan hệ khá biến động với Freud, vì thế không ngạc nhiên khi Jones thường xuyên tham dự các buổi diễn thuyết của Klein. Melanie Klein quay trở lại Britian ngay trong năm sau và định cư ở đây cho đến cuối đời. Tại thời điểm Freud và con gái Anna đến Anh năm 1939 (Jones giúp Freud thoát khỏi sự đe dọa của phát xít Đức), Klein đã gây dựng được sức ảnh hưởng của mình tại Britian. Sự gặp gỡ của hai luồng tư tưởng đã gây nên những rạn nứt mặt lý thuyết gây chia rẽ cộng đồng Phân tâm học lúc bấy giờ. Cuộc xung đột giữa Anna Freud và Klein vừa mang tính cá nhân vừa mang tính học thuyết. Anna Freud cũng đang làm việc trị liệu trẻ nhỏ, bà chịu ảnh hưởng rất lớn từ người cha Sigmund Freud của mình_người đã phân tích cho chính Anna Freud. Anna Freud bảo vệ quan điểm cho rằng không thể làm việc với trẻ nhỏ thông qua sự “chuyển dịch” (transference) vì trẻ quá phụ thuộc vào cha mẹ. Klein cho rằng, “chuyển dịch” là một quá trình tự nhiên nảy sinh trong quá trình trị liệu qua việc nhà liệu pháp diễn giải động cơ các hiện tượng tâm lý. Klein cũng đưa ra quan điểm về thế giới nội tâm phong phú của trẻ nhỏ, lý thuyết tương đối khó dung nạp đối với Phân tâm học cổ điển.

Tại thời điểm nhóm của Klein đạt được những thành tựu đáng kể, nhóm vấp phải vấn đề hợp thức lý thuyết. Nhóm Kleinian rất khó khăn để chứng minh rằng mình vẫn theo luồng tư tưởng Phân tâm học. Kết quả là, nhiều khi lý thuyết của Klein không được đánh giá đúng mực, có rất ít những đánh giá khách quan về độ mạnh yếu của lý thuyết. Lý thuyết của Klein bị đánh giá trong mức độ phù hợp hay không phù hợp với dòng tư tưởng ban đầu của Freud. Giống như việc so sánh lý thuyết của Klein với những khía cạnh khác nhau của chức năng tâm trí, điều ấy khá vô ích. Nhưng cuối cùng, xung đột này cũng mang lại kết quả tốt, Freud chấp nhận lý thuyết của Klein như sự khác biệt siêu-tâm lý (meta-psychological) mà Phân tâm học cổ điển đã bỏ qua trong suốt nhiều năm.

Biên dịch từ: Jacki Watts, Kate Cockcroft, Norman Ducan (Editors), Developmental psychology, Juta, 2013

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply