Lý thuyết tâm lý, đặc biệt Phân tâm học rất hữu ích trong phân tích phim. Một bộ phim luôn có những điểm mù cần được khám phá. Ý nghĩa bộ phim không chỉ ở chủ đích đạo diễn nhắm tới, có cả một miền rộng lớn đằng sau diễn ngôn của kịch bản, của đạo diễn.

Bộ phim Xuân, hạ, thu, đông…rồi lại xuân của đạo diễn thiên tài Kim ki-duk nói về một vòng lặp vĩnh cửu. Một nhà sư cùng một tiểu hòa thượng ở một ngôi chùa nhỏ nằm giữa hồ. Không gian hồ đầy vẻ tĩnh mịch, thơ mộng bao quanh ngôi chùa bé nhỏ như bàn tay của định mệnh, của vòng lặp đặt trên mỗi người. Dù ta có nhận ra hay không, ta vẫn rơi vào vong lặp ấy.

Hình ảnh xuyên suốt chủ đề bộ phim: cậu bé buộc dây vào một con cá, sợi dây nối với một cục đá nhỏ, nhưng quá nặng so với con cá. Con cá nhoài mình khó khăn kéo theo cục đá. Mọi tồn tại đều kéo theo bên mình những gánh nặng, những dục vọng đằng sau để lê bước: là thân xác đầy những bản năng, những động lực thúc đẩy, là những khát khao của các thế hệ ông bà cha mẹ, của ý hệ (ideology).

Khi tiểu hòa thượng lớn hơn, có một cô gái đến ngôi chùa nhỏ trú ngụ. Sự xuất hiện của cô gái đánh thức dục tính đàn ông bên trong chàng trai trẻ. Cậu chưa từng ra khỏi ngôi chùa nhỏ, chưa biết gì về thế giới bên ngoài, chưa khám phá được những dục vọng bên trong mình. Thế rồi hai người yêu nhau, ôm nhau ngủ quên trên chiếc thuyền ở hồ nước. Nhà sư thả một con gà trống lên trên chiếc thuyền, con gà trống của sự thức tỉnh. Nhà sư chứng kiến tất cả nhưng ông vẫn điềm nhiên, không can thiệp nhiều. Ông biết rằng thời gian chưa đủ chín để thức tỉnh một con người. Cần thời gian, cần đau khổ, trải nghiệm để một người lớn hơn. Không thể đốt cháy giai đoạn tiến tới sự thức tỉnh. Cũng như không thể bắt đứa trẻ hiểu được ngay các quy tắc của người lớn, đứa trẻ chỉ có thể hiểu được phần nào trên bình diện ngôn từ, hiểu thực sự thì không. Trẻ lớn lên cần được bú sữa trước, ăn đồ mềm sau đó mới là đồ thô, vì trẻ chưa đủ những điều kiện cơ thể. Tâm lý cũng như cơ thể, cần nhiều thời gian hơn, vì thế luôn có những đứa trẻ mang thân hình người lớn.

Đến ngày cô gái rời đi, tiểu hòa thượng giờ đã trở thành một chàng trai_cậu bỏ đi theo cô gái. Một đời phong trần bắt đầu từ đây và nhà sư vẫn im lặng, ông hiểu…

Rồi một ngày, chàng trai quay lại ngôn chùa nhỏ với nhà sư, nhà sư bấy giờ đã già. Chàng trai về để trốn tội, anh đã giết cô gái mình yêu vì cô gái đi theo chàng trai khác. Sau một thời gian ngắn, cảnh sát đến bắt anh ta. Chàng trai định tự sát nhưng nhà sư đã ngăn anh ta lại. Chưa đến lúc…vòng đời của anh ta chưa thể thoát được vòng duyên nợ, anh ta chưa được phép chết. Cái chết thực sự chỉ dành cho người đã “thức tỉnh”. Chàng trai khắc một bộ kinh Phật lên sàn gỗ (prajnaparamita sutra), nhà sư xin mấy vị cảnh sát đợi anh ta. Rồi sát đưa anh ta đi, chàng trai đã phải đền tội. Nhà sư già sau đó đã tự thiêu trên chiếc thuyền. Chiếc thuyền chở người đến, người đi, chiếc thuyền chở dục vọng, là câu nối giữa dục vọng và đích đến. Con thuyền là dòng đời, đã đến lúc nó phải dừng lại. Nhà sư đã sống và ông đã thức tỉnh để rồi chết. Ông đã kết thúc vòng sống của mình.

Đến một ngày mùa đông đến, băng giá phủ kín mặt hồ. Chàng trai năm ấy đã trở thành một người đàn ông trung niên. Ông quay về, trầm lặng…giống như vị sư già lúc đầu. Ông phá băng để thu tro cốt của sư phụ đặt lại trong chùa. Ông buộc bên hông mình một tảng đá giống như con cá bị ông buộc dây vào đuôi. Ông trèo lên trên đỉnh núi cao. Đã đến lúc người đàn ông phải mang lấy nghiệp chướng của mình, đó là một định mệnh mà ai cũng phải mang lấy. Qua bao gian khổ, trượt ngã, máu me… ông đã lên tới đỉnh núi… ông đã thức tỉnh.

Một ngày, có một người đàn bà che mặt bế một đứa trẻ trên tay, đến ngôi chùa nhỏ, bà ta bỏ lại đứa bé ở chùa và chạy trốn giữa đêm khuya. Người đàn bà ngã xuống một hố băng…

Cậu bé lớn lên cùng với người đàn ông như trước đây ông đã từng sống với sư phụ của mình. Chuyện gì đến sẽ phải đến, cậu bé buộc sợi dây có treo một hòn đã nhỏ vào chân một con ếch… đó là mùa xuân…

Ở Nietzsche, ta biết một sự quy hồi vĩnh cửu. Một vòng không lối thoát đặt trên lý trí con người, một vòng tái lặp xuyên suốt lịch sử, xuyên thế hệ, chúng ta là những kẻ mù đang dắt theo những kẻ mù.

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply