Có rất nhiều lo âu trong cuộc sống, dù ở hoàn cảnh, tầng lớp, cương vị, nghề nghiệp nào, bạn cũng đều bị lo âu. Khi lo âu đến mức không chịu nổi, điều duy nhất bạn nghĩ được là tìm cách thoát khỏi cơn lo âu ấy. Bạn có thể coi cơn lo âu ấy là một phần hay là vấn đề lớn trong cuộc đời. Thực sự, rất khó để can thiệp vào cơn lo âu, cảm giác như cồn cào ruột gan khi bạn đối diện với một vấn đề quan trọng trong cuộc sống của bạn, một cuộc phỏng vấn tìm việc khi bạn đang thất nghiệp với những gánh nặng cơm áo, hay một cuộc hẹn với một người quan trọng. Tại sao con người lo âu?
Đối với triết học, lo âu không đơn thuần là một vấn đề cần giải quyết, lo âu là một chủ đề triết học lớn. Khởi đầu với Kierkeaard, ông gắn lo âu với các khái niệm của Thiên Chúa giáo. Kierkegaard liên kết lo âu với tội lỗi và đức tin, nhưng quan điểm của Kierkegaard mang tính phổ quát. Sau này, các nhà triết học Hiện sinh đều thăm dò về chủ đề này. Heidegger và Sartre tìm ra những lối rẽ riêng để tìm kiếm mối liên hệ giữa lo âu và tồn tại.

Tất cả các tác giả đều công nhận rằng lo âu là một điều tất yếu của tồn tại làm người. Không giống như các đồ vật vô tri hay những loài động vật sống theo bản năng, con người có tự do lựa chọn và phải chịu trách nhiệm về sự tự do ấy. Chúng ta nhận thức được phần nào tương lai phía trước, chúng ta biết chắc chắn rằng chúng ta sẽ bị lo âu. Kierkegaard ví lo âu giống như cảm giác bạn đang đứng bên bờ vực, chúng ta biết rằng chúng ta phải nhảy một bước thật dài sang bờ bên kia, hố thẳm khiến ta choáng váng. Chính sự tự do lựa chọn khiến chúng ta hoa mắt chóng mặt, một mất một còn, không thể có tự do lựa chọn nào hoàn hảo.
Lo âu không giống như nỗi sợ, nó không có đối tượng cụ thể. Khi gặp phải lo âu, chúng ta thường chạy trốn cơn lo âu bằng các hoạt động thay thế. Mỗi cá nhân đều có cách chạy trốn riêng của mình, nam giới có thể tìm đến các chất kích thích, bia rượu hay các trò đỏ đen; nữ giới có thể tránh lo âu bằng shopping, ăn uống… Nhưng lo âu vẫn ở đấy, nó chỉ được giải quyết khi ta đối diện với nó.

Đối với Sartre, cách duy nhất để chạy trốn khỏi lo âu là từ chối sự tự do. Ông gọi sự phủ nhận tự do này là “niềm tin lệch lạc”. Khi chúng ta chối bỏ sự tự do, chúng ta biện hộ cho những hành vi thụ động của mình, ta đổi cho số mệnh đã quy định như thế. Nhiều người tìm đến bói toán khi gặp phải vấn đề khó khăn, có người phá nát cuộc đời vì không dám đối diện với hiện thực. Có thành phần đổi cho ý trời về những vận rủi của họ khi họ quyết định. Vấn đề là ta luôn phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của chính bản thân mình, dù ta có trốn tránh.
Chối bỏ sự tự do cũng có mặt lợi của nó, nó đẩy cá nhân co mình lại, nhờ những cá nhân khác quyết định hộ cuộc đời mình, chịu trách nhiệm hộ mình và cá nhân đó sẽ chui trong huyễn tưởng hạnh phúc ảo vọng của mình. Các nhà triết học hiện sinh khuyến khích một cuộc sống dấn thân, phá bỏ những ảo tưởng và sự an toàn giả tạo. Khi thức tỉnh, con người sẽ trực diện nhìn vào chính con người mình, bối cảnh của mình, chấp nhận nó như chính cuộc sống là.

Phần nào đó, lo âu như một dấu hiệu để cảnh báo bên trong hay bên ngoài bạn đang có vấn đề. Đó không còn là việc vượt qua những cơn lo âu nhưng là bước đường để vượt quá nó. Những lo âu thúc đẩy con người cần phải mạnh mẽ hơn nữa để chiến đấu trong một cuộc chiến sinh tồn xã hội, để kiện toàn hơn. Không thể tránh được lo âu, người ta sẽ lo âu cho đến khi lìa đời. Và mỗi người có thể nhìn lo âu theo một cách khác, đó là công cụ hoàn hảo để ta tiến hóa chính mình.