“Body shaming” là một vấn đề không mới ở các nước phương Tây, nhưng đối với Việt Nam, nó là một thuật ngữ khá mới lạ đối với đa phần mọi người. Chủ yếu vấn đề này được giới trẻ và các nhà chuyên môn biết tới. Một phần các bậc cha mẹ cũng biết tới “body shaming” nhưng họ không quá quan tâm về vấn đề này, họ coi đó là những chuyện vặt của con em mình. Nếu quan sát trong những cuộc hội thoại thường ngày, chúng ta có thể nghe thấy rất nhiều những lời nhận xét tiêu cực về ngoại hình người khác, chính bản thân người nói cũng không ý thức được trọng lượng của lời nói ảnh hưởng đến đối phương như thế nào. Sự thật là, những lời nhận xét tiêu cực về ngoại hình có thể ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của một cá nhân, có những trường hợp có thể gây ra những vấn đề tâm lý như rối loạn ăn uống và những chứng rối loạn tâm trạng, thậm chí có trường hợp dẫn tới hành vi tự hại bản thân hoặc tự sát. Vậy “body shaming” là gì? Bài viết sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.
“Body shaming” là những hành vi làm nhục người khác bởi sự chế nhạo, những lời bình phẩm chê bai về ngoại hình của người khác. “Body shaming” cũng là thái độ, nhận thức tiêu cực của một người về chính bản thân mình, trường hợp xấu có thể dẫn tới một dang rối loạn tâm thần nghiêm trọng: Body dysmorphic disorder (Rối loạn mặc cảm ngoại hình/Rối loạn ám ảnh dị hình).
Vậy đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề “Body shaming”?
- Mặc cảm ngoại hình của chính những người bị nhận xét tiêu cực
Một phần khái niệm “body shaming” là sự tự đánh giá tiêu cực về bản thân mình. Những ngôn từ, lời nói của những người xung quanh như chất xúc tác để đẩy đến cao trào những cảm xúc tiêu cực trong điểm nhìn về chính cơ thể mình. Do đâu một người có những nhìn nhận tiêu cực về ngoại hình? Trong quá trình phát triển, một đứa trẻ chưa hề có nhận thức về cơ thể của chính mình, chính ngôn ngữ hình thành nên những cảm nhận về cơ thể. Tuy nhiên, trẻ không thể tự mình học ngôn ngữ nếu không ở trong một cộng đồng, ngôn ngữ không phải của riêng cá nhân, nhưng đó là một sản phẩm của một tập thể người. Theo một số lý thuyết, hình ảnh cơ thể tích cực hay tiêu cực hoàn toàn là sản phẩm của những lời nhận xét của những người xung quanh trong giai đoạn ấu thơ, đặc biệt trong thời kì trẻ tập nói, liên kết được giữa ngôn ngữ và hình ảnh cơ thể. Đứa trẻ nhìn người khác như tấm gương phản chiếu hình ảnh của chính bản thân trẻ, trẻ sẽ đồng nhất những lời nhận xét ấy là chính hình ảnh của trẻ. Vì thế, những lời nhận xét tiêu cực trong giai đoạn tập nói hình thành nên hình ảnh tiêu cực về ngoại hình của trẻ. Những cảm giác ấy không bao giờ bị mất đi, nó ẩn tàng trong suốt quá trình sống của một đời người. Khi có những tác động của những người xung quanh, cảm giác ấy lại nổi lên và đôi khi dẫn tới mất kiểm soát. Cùng một lời nói, một lời nhận xét ngoại hình đối với một số người có thể mang đến những cảm giác rất bình thường, những đối với người khác, nó có thể mang đến những cảm xúc khá tệ hại, thậm chí mang đến các vấn đề cơ thể. Nguyên nhân sâu xa nằm trong cá nhân mỗi người trong quá trình phát triển.

- Nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết của cộng đồng
Ngôn ngữ có tác động mạnh tới một người, điểm khác biệt của con người với động vật đó là loài người có thể tư duy bằng ngôn ngữ mà không cần vật thật, trong khi động vật luôn cần những cảm giác trực tiếp đánh vào các giác quan. Cũng vì thế, con người có một điểm khác với động vật: ngôn ngữ có thể giết chết một người. “Body shaming” không chỉ dừng lại là những lời nói thông thường, vô thưởng vô phạt. Trước đây, nghệ thuật hùng biện có thể thay đổi cả một đế chế, một nền chính trị hay học thuật; lời nói có thể gây tác động mạnh, có thể làm một người có tình cảm với người khác, cũng có thể làm biến mất các triệu chứng trong trị liệu tâm lý.
Cộng đồng trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt ở những vùng kém phá triển thường hay sử dụng những lời nói nhận xét về ngoại hình người khác và đa phần trong đó là tiêu cực. Nhiều người biện luận rằng khi đánh giá về người khác, không nên khen bởi điều đó dễ khiến một người tự mãn, không thúc đẩy sự phát triển của họ. Những lời chê bai từ cha mẹ với con cái như cách giáo dục theo nhiều người nghĩ có thể khiến con em luôn sống trong cảm giác nghi ngờ về bản thân mình, mặc cảm tự ti về ngoại hình và các em cảm giác mình không được cha mẹ yêu thương. Cha mẹ không ý thức được rằng, họ đang sử dụng ngôn từ mang tính chất “body shaming” mà cứ nghĩ rằng mình đang giáo dục con cái rất tốt. Có trường hợp trong trị liệu tâm lý, đưa trẻ bị “body shaming” trong gia đình thu mình lại, không giao tiếp với một ai trong gia đình, thường xuyên cảm thấy tức ngực, khó thở khi nghe tiếng của bố mẹ, thậm chí xuất hiện hiện tượng nôn mửa.

Có những cá nhân không hề ý thức được những mặc cảm ngoại hình bên trong bản thân họ, chính họ là người có vấn đề. Những người có mặc cảm ngoại hình thường giải tỏa bằng cách chê bai, xúc phạm ngoại hình người khác. Họ không biết được rằng họ đang không ổn, họ phóng chiếu ra bên ngoài những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Khi bản thân xáo trộn, những người xung quanh thường chịu sự tác động bởi những hành vi, những lời nói không đúng mực từ người ấy. Về mặt lý trí, con người có thể kiểm soát được phần nào, nhưng cảm xúc là một nhân tố rất khó kiểm soát, nó sẽ rò rỉ ra bên ngoài bởi nhiều hành vi, lời nói vô thức.
Sự thực là, nhiều người không ý thức được sức mạnh to lớn của ngôn ngữ ảnh hưởng đến một người, “body shaming” như một vấn nạn của sự thiếu hiểu biết.
- Nguyên nhân đến từ những tác động từ các tiêu chuẩn xã hội
Những nghiên cứu về truyền thông và sự tác động của truyền thông lên hình ảnh cơ thể ảnh hưởng nặng nề bởi các tiêu chuẩn trong xã hội, không gian mạng internet (những quảng cáo trên tạp chí, ti vi, internet…). Các tiêu chuẩn xã hội trên truyền thông luôn hướng đến vẻ đẹp hình thể hơn các mặt khác của con người, sự trẻ hóa, tôn sùng sắc đẹp vĩnh cửu. Bởi vì nền văn hóa của chúng ta yêu thích một thân hình thon gọn, những hình ảnh “tiêu chuẩn” ngập ngập tràn các bộ phim, video âm nhạc, các chương trình truyền hình… những sự khác biệt không hợp chuẩn thường được coi như không hợp thời.

Trong những thế kỉ trước, xu hướng có vẻ đối lập. Những người có ngoại hình mập mạp, đầy đặn thường được ưa chuộng bởi điều đó có nghĩa người đó có đủ tiền để mua thức ăn đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt. Ngoại hình là một biểu tượng cho sự sung túc, khỏe mạnh. Những hiện nay, thức ăn là những sản phẩm dễ dàng có được bởi sự phát triển của các quốc gia (trừ một số nước vẫn ở trong nạn đói). Từ đó, tiêu chuẩn xã hội chuyển sang một trạng thái biểu tượng mới, tiêu chuẩn ngoại hình, tiêu chuẩn cái đẹp đã thay đổi. Cái đẹp đặc trưng bởi một thần hình cuốn hút, sexy, các số đo phải theo đúng chuẩn của cộng đồng. Từ những tiêu chuẩn đó, con người bị một sức ép vô hình trên chính nhận thức về cơ thể mình. Họ tìm đủ mọi cách đề khiến cơ thể của mình gần đến tiêu chuẩn của cái đẹp, thay đổi cả những thói quen sống, hoạt động, nhiều khi, người ta quan tâm đến ngoại hình nhiều hơn tới sức khỏe, sự cân bằng cơ thể. Từ những tiêu chuẩn ấy, mọi người có cớ để chê bai, miệt thị ngoại hình của người khác, miệt thị, ghét chính cơ thể của họ. Vấn đề “body shaming” như một hệ quả của các tiêu chuẩn xã hội.