Tất cả lý thuyết Phân tâm học đều cho rằng đời sống tinh thần của con người xuất phát từ những nguồn lực vô thức. Điều này không khẳng định rằng chúng ta không có khả năng ý thức, tư duy hợp lý hay những phán đoán đạo đức. Lý thuyết Phân tâm học đặt con người không chỉ ở trong miền ý thức, con người được bao phủ bởi một miền rộng lớn hơn vượt xa ngoài lý trí. Đứa trẻ được sinh ra từ trong trạng thái vô thức, mang trong mình những bản năng, nhận biết thế giới thông qua những trải nghiệm cơ thể – ăn uống và bài tiết – cùng với khả năng yêu và ghét. Vô thức trước hết là vùng bản năng ảnh hưởng đến con người thông qua những chức năng tâm trí bản năng sơ đẳng. Chúng ta sinh ra với những chức năng tâm trí vô thức. Vùng vô thức này có thể không bao giờ biểu hiện trực tiếp, nó ngầm ẩn trong những ảnh hưởng lên đời sống hằng ngày. Những cơ chế vô thức có thể lý giải tại sao người bạn đời của chúng ta có thể giống với bố hoặc mẹ của mình, tại sao chúng ta lại ngầm phá hoại trong khi chúng ta đang bước đến thành công? Lý do những đứa trẻ bị bạo hành lại thường kết hôn với những kẻ gây bạo hành? Vô thức hoạt động ở tất cả các thời điểm, những hành động tưởng chừng như kì lạ.

Lý thuyết Phân tâm học nghiên cứu về dòng chảy bản năng với những năng lượng mạnh mẽ. Freud nhấn mạnh đến năng lượng tình dục và gây hấn. Isaacs (1948), đồng nghiệp của Klein, bà nhấn mạnh tới những huyễn tưởng là tương quan giữa tâm trí và bản năng. Khái niệm này mở ra cánh cửa nhằm hiểu đặc tính tương liên của đời sống bản năng. Những nhà hậu Freud đối lập với điểm nhìn của ông, họ cho rằng bản năng có những mục đích cụ thể. Tất cả bản năng đều cư ngụ trong một huyễn tưởng ma trận giữa tôi và “cái khác”. Những cảm xúc như tham lam, ghen tuông, khiếp sợ, hoang tưởng, tình yêu, tội lỗi… đều do những bản năng tâm trí vô thức thúc đẩy. Jung (1986) đi xa hơn với giả thuyết rằng một cá nhân nằm trong “vô thức tập thể”_một bể chứa những tri thức cổ xưa của loài người. Cá nhân liên kết với bể chứa vô thức tập thể thông qua những hành động phức hợp, sự cá nhân hóa liên kết với những năng lượng cổ mẫu.

Khía cạnh phá hủy của chức năng vô thức cũng được khảo sát. Qua từng giai đoạn phát triển, con người cố gắng kiểm soát bản năng tự nhiên. Điều ấy khiến con người có thể sống cùng với những người khác, tăng khả năng ý thức và văn minh hóa. Nhưng tiến trình này gây ra những cái giá phải trả. Trong khi các chính quyền thiết lập các nguyên tắc nhân đạo, sự văn minh hóa, sự hài hòa giữa các dân tộc và quốc gia, cũng đồng thời, chưa một thế hệ loài người nào trước đó có khả năng phá hủy và khai thác toàn thế giới như con người hiện đại ngày nay. Khi tiến trình ý thức và đạo đức cảng được củng cố ở các quốc gia, sự gây hấn và tham lam ngày càng tăng triển một cách ngầm ẩn dưới bề mặt ý thức. Chúng được dồn nén và ẩn dấu bằng các cơ chế phòng vệ. Trẻ nhỏ cũng phát triển theo cách tương tự. Khi trẻ lớn hơn và được xã hội hóa, những khía cạnh nguyên thủy và “không mong muốn” trong những hành vi bình thường được chuyển vào vô thức. Chúng ta chỉ có thể thăm dò những khía cạnh không mong muốn này thông qua các cơ chế phòng vệ.

Tóm lại, lý thuyết Phân tâm học nói về hai khía cạnh của vô thức: bẩm sinh và phổ quát. Vô thức đặt trên nền tảng đời sống bản năng, đó là những mặt khó có thể chấp nhận khi con người tiến vào tiến trình văn minh hóa. Thêm vào đó, lý thuyết dòng Lacan đưa ra một nan đề: không có vô thức trươc khi có ngôn ngữ. Khái niệm của Lacan đảo lộn những khái niệm truyền thống về vô thức (Sẽ khai thác sau).

Biên dịch từ: Jacki Watts, Kate Cockcroft, Norman Ducan (Editors), Developmental psychology, Juta, 2013

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply