Đưa ra một lời khuyên cho người khác để giải quyết vấn đề của họ, đó có vẻ là một việc rất dễ dàng vì ta đâu ở trong hoàn cảnh của người đó và cũng không phải chịu những hệ quả của lựa chọn. Nhưng đến lượt bản thân mình lựa chọn, đặc biệt liên quan đến những lựa chọn lớn, chúng ta bắt đầu dao động lưỡng lự, lo âu và cảm thấy mình không đủ mạnh mẽ. Thế là chúng ta lại đi tìm sự trợ giúp của người khác.

Có những lựa chọn nhỏ trong cuộc sống: lựa chọn một bộ quần áo trong siêu thị, chọn món ăn cho bữa tối, chọn địa điểm đi chơi… Thường thì những lựa chọn ấy không gây khó khăn gì đối với đa phần mọi người. Đối với những cá nhân mắc chứng rối loạn lo âu, bất kì lựa chọn dù nhỏ nào cũng là một thách thức rất lớn đối với họ, họ dằn vặt, mất ngủ, sợ hãi… Và, có những lựa chọn lớn: chọn người bạn đời sẽ gắn bó trọn đời với bạn, chọn một nghề nghiệp cho bản thân, chọn nơi sinh sống lâu dài… Chúng ta có tự do lựa chọn những điều ấy? Hay có một thế lực vô hình nào đó thúc đẩy chúng ta lựa chọn? Hay chúng ta bị điều kiện hóa những lựa chọn bởi nhiều nhân tố không thuộc tầm kiểm soát của chúng ta?

Nếu như không gian, thời gian, thời gian, quan hệ nhân quả là những phương tiện loài người sử dụng để giải thích những trải nghiệm, chúng ta sẽ nhìn những sự kiện trong đời sống là một chuỗi quan hệ nhân quả. Mọi chuyện không tự nhiên xảy ra, chúng đều có nguyên nhân.

Quá trình tìm kiếm căn nguyên giống như một tiến trình nghiên cứu khoa học, với những tư duy logic gắn sự kiện, hành động trong mối quan hệ với những sự kiện diễn ra trước đó và cùng với sự kiện hiện tại. Về mặt lý thuyết, nếu có thể biết tất cả những sự kiện diễn ra trong quá khứ liên quan đến sự việc, tương lai sau đó hoàn toàn có thể dự đoán. Đó là thế giới quan của chủ nghĩa Newton: thế giới giống như một cỗ máy tuân theo những định luật cố định.

Khi nhìn vấn đề dưới mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí, mọi chuyện đều có nguyên nhân; nếu dòng điện chạy trong não bộ là một phần của hệ thống máy móc khép kín, dòng điện điều khiển hành vi, thì tự do của chúng ta là một ảo tưởng. Cũng may, cơ thể được kích thích bởi những nhân tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống não bộ và não bộ điều khiển cơ thể tạo ra những phản ứng. Nhưng sẽ sẽ thế nào khi các phản ứng được lập trình sẵn. Rất nhiều lần bạn chắc chắn rằng bạn tự do lựa chọn, có điều có nhiều điều diễn ra trước khi bạn sinh ra, nơi bạn sinh ra đời, gia đình bạn được đặt vào, xóm làng, bối cảnh văn hóa, nền chính trị… tất cả những điều ấy góp phần tạo nên quyết định của bạn.

Sự tự do lựa chọn liên quan rất lớn tới vấn đề đạo đức: Khi chúng ta tự do lựa chọn, chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Khi không chắc chắn, chúng ta thường dựa vào những quy chuẩn đạo đức, những lợi hại thiệt hơn. Có phải những quy chuẩn bó buộc chúng ta hay chúng ta vượt lên trên những quy chuẩn?

Với chủ nghĩa tất định luận, không một ai trên đời có thể có tự do lựa chọn. Chúng ta có một cơ thể giới hạn, bạn không thể cao 30 mét kể cả bạn mong muốn có được điều ấy. Một người trung niên bị béo phì thì không thể làm một vũ công giỏi nhất. Không còn là vấn đề lựa chọn, đó là giới hạn của cơ thể. Chúng ta có những tiền định tâm lý ảnh hưởng đến hành động. Nếu bạn bị lo âu và trầm cảm, bạn có thể cảm thấy như cực hình khi tham gia một cuộc hội họp đông vui, bạn không thể có được những niềm vui như bao người khác. Những người khác thì sao, thường tiền định tâm lý sẽ tạo ra một thiên hướng thúc đẩy cá nhân lựa chọn, có nhiều yếu tố tạo nên những tiền định tâm lý không thể kiểm soát, và đương nhiên cá nhân bị bất lực. Và đương nhiên, chúng ta có những giới hạn của cấm kị văn hóa, xã hội, luật pháp, chính trị…

Không thể nghi ngờ rằng mỗi hành động của chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi rất nhiều nhân tố. Điều khác biệt ở đây, với tất định luận, không có không gian cho một người có tự do lựa chọn; trong khi những người chống tất định luận cho rằng vẫn có tự do nhất định với một hoàn cảnh được tiên định. Mọi thự chúng ta là, mọi điều chúng ta tin, thế giới quan của chúng ta trong những lựa chọn đạo đức, dù ý thức hay không, chúng ta luôn ở trong một nền tảng cho trước, một cấu trúc tương đối định hình.

Không phải tất cả các triết gia đều bàn về tự do, tất định luận và lựa chọn đạo đức theo những cách như trên, nổi bật là Spinoza. Ông cho rằng tự do là một ảo tưởng vì không thể biết tất cả các căn nguyên của hành động. Những sự kiện xảy ra với chúng ta mang đến cho chúng ta những cảm xúc trái chiều. Có những sự kiện gây tức giận, sợ hãi, khiến chúng ta bối rối, trốn chạy, tuy nhiên chúng ta có thể đối diện sự kiện với những cảm xúc tích cực khi chúng ta hiểu vấn đề thực sự. Spinoza cho rằng càng thấu hiểu thế giới xung quanh chúng ta, thấu hiểu bản thân, những cảm xúc tiêu cực sẽ dần dần giảm xuống. Tự do của Spinoza là nhìn thế giới như bản chất nó là và chấp nhận nó như chính nó.

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply