Rất nhiều cuốn sách self-help, rất nhiều người trong chúng ta tự nhủ với mình rằng cần phải suy nghĩ tích cực trong những tình huống tồi tệ nhất. Ví dụ phổ biến để minh chứng cho điều này là, khi có một tờ giấy trắng bị chấm một vết mực nhỏ, thường người ta sẽ có xu hướng nhìn vào dấu chấm nhỏ. Tuy nhiên, những người tích cực thì nói rằng phần rất lớn còn lại vẫn chưa bị vết mực xâm lấn, cuộc sống cũng thế. Bản chất suy nghĩ tích cực là gì? Nó có áp dụng được trong mọi trường hợp?
Suy nghĩ tích cực là một cơ chế tâm lý của sự hợp lý hóa, hợp lý hóa là một cơ chế vô thức theo Anna Freud nhằm giảm lo âu của cái Tôi. Suy nghĩ tích cực giúp mọi người nhìn vấn đề từ một chiều hướng khác, nó là một điểm nhìn từ bên trong kết nối với thực kiện bên ngoài. Thực kiện bên ngoài đã diễn ra như thế, nhưng nhận định về nó thì tùy từng cá nhân. Nietzsche tuyên bố một câu xanh rờn rằng: không có thực kiện, chỉ có diễn giải.

Suy nghĩ tích cực chỉ có thể diễn ra trong những trường hợp giới hạn. Một số trường hợp khác, dù suy nghĩ tích cực hay không bạn vẫn rơi vào một nghịch cảnh. Giả dụ bạn bị rơi máy bay trên một hoang mạc rộng lớn, bạn đã hết thức ăn và nước uống, thời tiết ở sa mạc thì khỏi phải bàn cãi. Cơ hội sống sót của bạn là bao nhiêu phần trăm? Chắc bạn có thể tự định giá, bạn có thể suy nghĩ tích cực không. Có những trường hợp (tôi đã từng gặp), một người ốm đau bệnh tật bị mất hết người thân, gia cảnh thì rất nghèo, nếu bạn ở trong trường hợp đó, ai đến bên bạn khuyên bạn hãy suy nghĩ tích cực lên, không biết bạn sẽ thế nào?
Những suy nghĩ tích cực có thể phần nào đó giảm những lo âu bên trong, nhưng những cảm xúc do sang chấn mang lại thì hầu như không mất đi, bạn vẫn đau đớn khi tất cả người bạn yêu thương nhất mất đi trong một vụ tai nạn, và khi sang chấn quá lớn nó ép lý trí của bạn thành cám bã. Có trường hợp bị lạm dụng tình dục, dư âm của nó mang lại kéo dài cả đời, cá nhân đó có thể sợ hãi chuyện gần gũi ai đó đến hết đời, thường xuyên rơi vào những cơn hoảng loạn. Cảm xúc là một điều thường lấn át lý trí.

Có những suy nghĩ tích cực là một dạng trốn chạy khỏi vấn đề đang gặp phải. Khi áp một suy nghĩ về mặt ý thức lên một vấn đề thực tế, chúng ta buộc phải nhìn những chiều hướng khác của vấn đề, những tiềm lực tốt của bản thân để bù đắp lại những dư âm của sự kiện. Song song với quá trình áp lý trí lên cảm xúc, chúng ta buộc phải dồn nén những cảm xúc tiêu cực xuống. Những gì đã dồn nén ở trong tâm trí hầu như không mất đi, nó sẽ tích tụ lại và rò rỉ qua những phản ứng đối với các sự kiện, cảm xúc về điều khác. Khi sự dồn nén đạt quá giới hạn, một lúc nào đó, chúng ta sẽ trở nên mất kiểm soát. Những cảm xúc tâm trí hoạt động theo cơ chế “chuyển dịch”, một lượng cảm xúc bị gây ra do những đối tượng bên ngoài có thể chuyển vào tâm trí bên trong, sau đó là sự phóng chiếu ra các đối tượng khác, ít khi tâm trí là một cái ao tù, nếu bị tù đọng, rất dễ người đó có vấn đề tâm lý. Vì thế, rất nhiều người chọn cách suy nghĩ tích cực để hợp lý hóa, tránh những lo âu, rắc rối gặp phải, họ lẩn tránh vấn đề sờ sờ trước mắt, họ dồn nén nó lại. Nhiều con bạc sau khi đã cẩm cố hết nhà cửa, tài sản, gia đình li tán, người đó vẫn còn khẳng định rằng họ đánh bạc vì người thân, vì tương lai hạnh phúc gia đình, đó là một kiểu suy nghĩ tích cực.

Trong trị liệu tâm lý, bản thân bệnh nhân đủ lý trí để nghĩ ra những giải pháp tốt nhất cho mình. Có những bệnh nhân có trình độ văn hóa rất cao, họ có tài năng thực sự, có hiểu biết đa ngành nhưng vẫn bất lực trước vấn đề của mình. Gặp một nhà trị liệu khuyên họ rằng hãy suy nghĩ tích cực, có cá nhân trở nên tệ hơn vì lời khuyên của nhà tâm lý. Vấn đề ở đây là cảm xúc, những sang chấn, xung động bên trong khiến họ bất lực, mất kiểm soát, đau đớn, mất ngủ, khổ sở… Những khó chịu, đau khổ tinh thần của một người không hẳn nằm ở vấn đề hiện tại, nó có cả một quá khứ rất dài, từ bối cảnh, gia đình, sang chấn ấu thơ, những sai lầm trong đường đời, những tai ương gặp phải… Phản ứng đối với thực kiện hiện tại chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Một câu suy nghĩ tích cực rất khó xoay chuyển vấn đề.

Có cả một phân ngành tâm lý lớn Tâm lý học tích cực khuyến khích mọi người tìm hạnh phúc, sự hài lòng, viên mãn… Hạnh phúc vẫn là một dấu hỏi lớn cho bất kì cá nhân nào? Có hạnh phúc thật sự không? Bạn có thể suy nghĩ tích cực nhưng chỉ nên trong một số trường hợp nhất định. Điều quan trọng là đối diện với chính những sang chấn của mình, không chạy trốn. Quá trình đối mặt không phải là điều dễ dàng, nó có thể mang lại những vấn đề lo âu, có khi hoảng loạn, sợ hãi, đôi khi vài người không thể đối diện, họ cần sự trợ giúp của những nhà chuyên môn tâm lý. Nhưng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề triệt đề là… “nhìn”.