” we always miss what we aim at in the other and our desire remains unsatisfied. We can never be One…”
Chúng ta đã quá quen thuộc với vở bi kịch Oedipus của Sophocles với những diễn giải của Freud, bi kịch này như một sự giải quyết nguyên thủy để một đứa trẻ tìm được “giới” của mình qua quá trình đồng nhất, Những diễn giải của Freud có tính chất của những góc nhìn vào huyền thoại như một đặc tính của nhân chủng học, tìm hiểu chế độ cũ qua các văn bản cổ xưa.
Các nhà hậu Freud tiếp tục diễn giải Oedipus trong thời điểm ngôn ngữ học và nhân chủng học đã đạt được những thành tựu đáng kể. Về mặt nền tảng, Freud có vẻ như là một người tiếp tục theo thiên hướng của một Decartes mới và ngả về chiều hướng sinh học theo Darwin hay Lamarck. Oedipus được nhìn nhận một cách khác dưới góc nhìn của Lacanians, chúng ta cùng lật lại một câu hỏi nền tảng: “Giới” là định mệnh hay là một tiến trình xác định không phụ thuộc vào nền tảng sinh học?

Một điểm nhìn khác nữa, người ta coi bi kịch Oedipus của Sophocles như một giai đoạn chuyển tiếp từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ. Trong chế độ mẫu hệ, một nhóm thị tộc lớn sẽ chia thành hai nhóm phụ: nhóm nam giới và nhóm kia bao gồm phụ nữ và trẻ nhỏ. Oedipus đã từ bỏ nhóm nam của mình, giết kẻ không thuộc về dòng chính và cưới mẹ, quay trở lại với dòng chính của mình.
Một bi kịch khác là bi kịch Oresteia của Aeschylus, câu truyện này có vẻ rõ ràng hơn. Khi Agamemnon có ý định hiến tế con gái của mình, ông lại bị giết bởi chính người vợ của ông. Sự phân chia giữa nam quyền và nữ hệ buộc đứa con phải có những lựa chọn khó khăn. Vấn đề này có thể kéo dài đến tận ngày nay trong các phong tục cưới xin, sẽ còn là những nan đề dài dòng để phân tích tiếp.