Về mặt thuật ngữ, tâm lý học (psychology) xuất phát từ gốc Hy Lạp “psyche” có nghĩa là “tinh thần” hay “linh hồn” kết hợp với “logos” có nghĩa là “nghiên cứu” hay “học thuyết”. Thuật ngữ Latin của tâm lý học “psychologia” lần đầu tiên được sử dụng bởi một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn và tiếng Latin có tên là Marko Marulic trong cuốn Psichiologia de ratione animae humanae (Tâm lý học, vể bản chất của linh hồn con người) ở cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI. Thuật ngữ “psychology” trong tiếng Anh được sử dụng lần đầu trong cuốn The physical dictionary của Steven Blankaart năm 1694.
Ở Việt Nam, từ “tâm lý” được nói đến rất nhiều trong đời sống hằng ngày, mọi người đều biết rằng ngoài đời sống trong một cơ thể hữu hình còn có một phần rất quan trọng khác đó là tâm lý. Tuy nhiên, nhận thức của một người bình thường chỉ dừng lại ở những vấn đề thông thường liên quan đến tâm lý, chưa nhiều người biết rằng tâm lý học là một khoa học chuẩn định. Hiện nay, tâm lý học được biết đến nhiều hơn qua việc áp dụng tâm lý học để chữa trị những trường hợp có vấn đề về tâm lý (tự kỉ, tăng động, chậm phát triển…). Tâm lý học ngày càng được biết đến rộng rãi hơn và khẳng định được vị thế của mình.

Theo hiệp hôi tâm lý học Mỹ: “Tâm lý học là một ngành khoa học nghiên cứu về tâm trí (mind) và hành vi (behavior) của con người. Theo tiến trình lịch sử, tâm lý học xuất phát từ trong lòng những lý thuyết triết học, nảy sinh từ nhận thức luận (epistemology). Tâm lý học có rất nhiều nguyên lý khoa học bao gồm (liên quan) các trường vực nghiên cứu lớn: nghiên cứu những kinh nghiệm, sinh học, nhận thức, sự phát triển, nhân cách, xã hội… cũng như tâm lý học bao gồm rất nhiều trường vực phụ nghiên cứu và áp dụng tâm lý học: tâm lý trị liệu, tâm lý học trong tổ chức, giáo dục, các nhân tố nhân bản, sức khoẻ, tâm lý học thần kinh, nghiên cứu xuyên văn hoá. Những nghiên cứu trong tâm lý học bao gồm: quan sát, thực nghiệm, trắc nghiệm, và phân tích để khám phá ra những nhân tố tâm lý liên quan đến con người về nhiều mặt: sinh học, nhận thức, cảm xúc, nhân cách, tiến trình xã hội hay nền tảng của hành vi con người cũng như động vật. Thực hành tâm lý học bao gồm áp dụng lý thuyết tâm lý học vào nhiều mục đích khác nhau: để hiểu và trị liệu những vấn đề về tâm thần, cảm xúc, thể lý, xã hội; để hiểu và cân bằng, thúc đẩy con người trong nhiều hoạt động (trường học, nơi làm việc, thể thao, toà án…) và để nâng cấp những phương tiện con người sử dụng trong đời sống hằng ngày sao cho phù hợp với con người”.

Xã hội càng hiện đại, đời sống con người ngày càng được nâng cao và mọi người đều nhận thức được tầm quan trọng của khoa học tâm lý. Các vấn đề của con người hiện nay được xem xét từ hai mặt: cơ thể và tâm lý (có người còn xét thêm mặt về sức khoẻ tâm linh). Một vấn đề sức khoẻ luôn luôn trong mối quan hệ giữa cơ thể – tâm lý. Ví dụ, nhiều trường hợp chứng minh rằng những người bị bệnh ung thư có đời sống tâm lý tích cực có thể tiến triển bệnh tốt hơn những người rơi vào trạng thái khủng hoảng nghiêm trọng. Có những người bị bệnh ung thư chết sau một vài tuần khi phát hiện bệnh, nguyên nhân không hoàn toàn về mặt bệnh cơ thể, vì trước đó người đó rơi vào trạng thái kiệt quệ, mất hoàn toàn ý chí sống.
Hi vọng, với sự tăng tiến về nhận thức ở Việt Nam, người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng đời sống tâm lý của họ và quan tâm hơn tới các vấn đề tâm lý. Nhờ đó, khoa học tâm lý của khẳng định được những nghiên cứu của mình có thể nâng cao đời sống của người dân và giải quyết được những vấn đề tâm lý khó khăn trong cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
Gary R. VandenBos, PhD (Editor in Chief), APA dictionary of psychology, American psychological association (2015) (Second edition).