Có thể nói lịch sử của tâm lý học gắn rất chặt tới lịch sử của triết học. Ngay từ các triết gia Hi Lạp cổ đại đã có những suy tư về tâm lý học. Quá trình hình thành của tâm lý học đi song song cả tư tưởng Tây phương và triết học bên Đông phương. Những nghiên cứu thời hiện đại mang phương châm “trở về nguồn” nơi những tư tưởng rất cổ xưa của triết học, tâm lý học Đông phương.

Khoảng năm 400 TCN, Democritus cho rằng mọi thứ được cấu tạo nên từ những nguyên tử không thể chia cắt và không thể quan sát được bằng mắt thường. Ông cho rằng, con người được cấu tạo bằng “nguyên tử tâm trí” (hay linh hồn) và nguyên tử cơ thể. Democritus hướng tới một chủ nghĩa quy giản (reductionism) và tách biệt cơ thể_tâm trí. Ông nhấn mạnh tới vai trò của các kích thích bên ngoài xác định hành vi cá nhân dẫn tới các cuộc tranh luận của tất định luận (determinism) hay tự do ý chí (free will).

Ancient Greek philosophers (Source: internet)

Có những điểm nhìn gần như đối lập với Democritus là hang loạt các triết gia Hi Lạp cổ: Thales, Heraclitus và Anaxagoras. Thales (sống khoảng thế kỉ 6 TCN) cho rằng nước là nhân tố cơ bản tạo nên mọi thứ trong vũ trụ. Heraclitus (540 – 475 TCN) cho rằng nhân tố tạo nên mọi thứ là lửa. Đối với Heraclitus, không có gì là cố định hay bất biến vì lửa là nhân tố của sự thay đổi. Ý tưởng này có thể là nền tảng của tâm lý học hiện đại khi chuyển từ “lửa” sang “năng lượng”. Heraclitus nhấn mạnh tới tiến trình hơn là sự ổn định, động lực thay đổi hơn là sự tĩnh tại.

Plato_một triết gia vĩ đại mang đến cho chúng ta những nhận thức về “linh hồn”. Đối với Plato, linh hồn là bản chất của mọi sự. Thừa hưởng quan điểm của Socrates, Plato tin vào một thế giới ý niệm (ideas), những hiểu biết của chúng ta vào thế giới thực tại chỉ là ảo ảnh, thế giới của ý niệm mới là thế giới hoàn hảo, vĩnh cửu. Bởi vì giác quan của con người không thể tin tưởng được, những cảm giác của chúng ta chỉ là bản sao của một thế giới ý niệm. Plato cũng phân tích các hiện tượng xã hội về giai cấp, ông phân biệt tầng lớp thấp nhất là những người sống thoả mãn các bản năng của mình, nhóm người thứ hai là những người lính sống bằng cảm xúc, trái tim. Tầng lớp cao nhất là những nhà tư tưởng, những người tạo ra luật pháp.

Plato and Aristotle in The School of Athens, by Raphael

Aristotle là một nhà triết học hệ thống đầu tiên, ông nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, đặt nền tảng cho những nghiên cứu khoa học sau này. Aristotle phân tích một hệ thống có liên quan đến tâm trí và hành vi. Ông bàn về bản chất của linh hồn, những điều đó, ngày nay các nhà tâm lý học gọi là nhân cách. Aristotle phân tích về những khả năng của linh hồn, phân tích những vấn đề về thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và cảm nhận.

Bước đến thời kì khai sáng, đây là một bước chuyển vô cùng quan trọng trong lịch sử tâm lý học. Thời kì khai sáng với những đại diện tiêu biểu như Miliere, La Fontaine, Raccine và Corneille. Giai đoạn khai sáng đặt nền tảng cho khoa học hiện đại sau này. Tuy nhiên, trong thời kì khai sáng, những ý tưởng tâm lý học chìm trong trường vực của triết học và văn học. Tâm lý học ở thời kì này chưa thể chuyển mình thành một trường vực riêng với những nghiên cứu chuyên biệt.

Sau tuyên bố của Nicolaus Copernicus về thuyết nhật tâm, thế giới như thoát khỏi thời kì khủng hoảng thần học thống trị trong hàng trăm năm. Từ đó, hàng loạt những tên tuổi lớn xuất hiện với những nghiên cứu về tâm lý con người tồn tại cho đến ngày nay.

Enlightenment (Source: internet)

Descartes (1596 – 1650) tuyên bố một câu vô cùng nổi tiếng: “Tôi tư duy, tôi tồn tại”. Lời tuyên bố của Descartes liên quan đến những nghiên cứu về ý thức sau này. Descartes luôn nghi ngờ về sự tồn tại của con người, ông cũng nghĩ rằng phải có một điều gì đó chắc chắn tồn tại hơn những điều kéo theo khác. Và ông bừng tỉnh khi biết rằng có một cái tôi đang tư duy, vì thế, cái tôi có tồn tại. Descartes bàn về chủ nghĩa nhị nguyên cơ thể – tâm trí cũng giống như Plato. Ông cho rằng cơ thể là một thực thể vật chất và tâm trí là một thực thể tư duy. Descartes nói rằng cơ thể và tâm trí tương tác với nhau dựa trên những cơ sở của não bộ, tuy nhiên những tương tác này không hoàn toàn thống nhất với nhau. Ông coi cơ thể như một cỗ máy vận động theo các nguyên tắc vật lý nhưng linh hồn không cấu tạo như một cỗ máy.

Những nghiên cứu về tri giác của Berkeley trong cuốn New theory of vision rất có giá trị trong những năm đầu hướng tới các nguyên lý khoa học. Berkeley thường được nhắc tới như đại diện của chủ nghĩa duy tâm (idealism) khi tuyên bố rằng mọi thứ chỉ thật sự tồn tại khi được trị giác, sự vật tồn tại khi được tri giác. Trong những khảo luận về tri giác của mình, Berkeley cho rằng tri giác thị giác về đối tượng và không gian dựa trên những kinh nghiệm và học được qua sự liên kết với những cảm giác vận động.

Immanuel Kant (1724 – 1804) (Source: internet)

Imanuel Kant (1724 – 1804) là một triết gia cả đời không đi xa hơn khoảng 40km tại quê hương mình lại đặt nền tảng triết học cho rất nhiều ngành ở thế giới hiện đại. Những phương pháp, lý thuyết của Kant còn được phân tích cho đến tận ngày nay bởi sự đồ sộ và phức tạp của nó. Ông viết bộ ba cuốn sách nổi tiếng thế giới trong đó có cuốn Critique of pure Reason ảnh hưởng tới những lý thuyết của tâm lý học. Ông cho rằng tri giác của chúng ta không mang đến cho chúng ta những khái niệm, nhưng tri giác được ban tặng, định hình bởi những khái niệm cho trước_điều mà Kant gọi là tiên nghiệm (a priori). Bẩm sinh chúng ta đã có những ý niệm về mối quan hệ nhân quả, ý niệm không gian và thời gian. Vì thế, tâm trí khiến chúng ta tri giác thế giới theo những nguyên lý nhất định, chúng tổ chức và sắp xếp tri giác của con người.

Chúng ta không thể không nhắc tới Darwin (1809 – 1882) là một nhân vật rất quan trọng trong lịch sử tâm lý học. Cuốn sách Origin of species (1859) mang lại những dữ liệu rất quan trọng trong thuyết tiến hoá: khả năng đột biến và biến đổi để sinh tồn theo những điều kiện của môi trường. Alfred Russell Wallace công bố một lý thuyết tương tự cùng thời gian những không có dồi dào những dữ kiện thu thập được như Darwin. Darwin cũng viết một cuốn sách về tâm lý The expression of the Emotion in Man and Animals, qua đó ông cho rằng tiến hoá không chỉ thay đổi kiểu hình nhưng cũng làm biến đổi hành vi và cảm xúc của con người cũng như động vật.

Sự xuất hiện của khoa học tâm lý

1879 – Wilhelm Wundt opened first psychology lab (Source: internet)

Có những cuộc tranh luận về thời điểm tâm lý học chính thức trở thành một ngành khoa học độc lập bởi nửa sau thế kỉ XIX có một số nhà khoa học được tuyên bố chuẩn nhận những công trình nghiên cứu của mình như Wilhelm Wundt (1879) ở Leipzig, William James tại Harvard (1875) hay Fechner với cuốn sách Elements of psychophysics. Nhưng hầu hết tư liệu lịch sử đồng thuận rằng năm 1879, Wilhelm Wundt mở một phòng tâm lý thực nghiệm, đây là dấu mốc đưa tâm lý học trở thành một khoa học độc lập. Wilhelm Wundt đã viết rất nhiều sách và những cuốn sách của ông chứng minh được tầm quan trọng trong thế giới tâm lý học. Khi mới gần 30 tuổi, Wundt công bố hai cuốn sách: một cuốn về vận động cơ, một cuốn mang tên Contributions to theory of sense perception. Đầu những năm 30 tuổi, vì để phục vụ công việc giảng dạy của mình, ông xuất bản hai cuốn sách Textbook of human physiologyHandbook of Medical physics. Năm 1963, một tác phẩm của ông có thể xem như là một công trình tâm lý học so sánh: Lectures on the mind of man and animals. Năm 1874, ông xuất bản một cuốn sách đầy ảnh hưởng: Fundamentals of physiology psychology, tâm lý học sử dụng cùng phương pháp như trong sinh lý học. Công trình này ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhà tâm lý học George Trumbull Ladd tại Mỹ. Năm 1881, hàng loạt những thực nghiệm được thực hiện ở phòng thực nghiệm tâm lý, Wunt ấn bản những tập san tâm lý học với nhan đề Philosophisch Studien, về sau đổi tên thành Psychologische Studien. Trong suốt 12 năm xuất bản những cuốn sách về tâm lý học, triết học, ông còn quan tâm đến hàng loạt các chủ để khác: logic, đạo đức, triết học hệ thống.

Tài liệu tham khảo: Michael Wertheimer, Antonio E. Puente (2020), A Brief History of Psychology, Routledge (6th edition)

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply