Tầm quan trọng của thời thơ ấu

Tất cả lý thuyết phân tâm học đều chỉ ra tầm quan trọng của thời thơ ấu đối với sự phát triển nhân cách. Trẻ nhỏ là một giai đoạn phát triển dễ bị ảnh hưởng bởi xã hội, văn hóa, kì vọng gia đình. Đó cũng là khoảng thời gian cơ thể con người phát triển để đối diện với thế giới bên ngoài cũng như bên trong cơ thể. Bên trong cơ thể là những đòi hỏi sinh lý như đói, lạnh, khó chịu, sự thỏa mãn; những vấn đề cảm xúc như sợ hãi, giận dữ, trống trải, tình yêu… Lý thuyết Phân tâm học tuyên bố rằng trong giai đoạn trẻ nhỏ, mối quan hệ giữa văn hóa và sinh lý vô cùng quan trọng. Trẻ tiến vào thế giới với một mớ trải nghiệm cảm xúc hỗn độn. Trẻ chỉ trải nghiệm mà không có nhận thức, hay chưa đủ khả năng để cảm nhận những trải nghiệm. Trạng thái ban đầu này sẽ dần được tổ chức mạch lạc kiến tạo ý nghĩa đối với trẻ nhỏ và sự phát triển nhân cách.

Freud cho rằng tiến trình sinh lý trong sự phát triển của trẻ nhỏ tương tác với những cấm kị văn hóa (trong Richards & Dickson, 1977). Tiến trình này dẫn tới sự tiến hóa, nhờ đó con người có thể sử dụng và kiềm chế bản năng tự nhiên, sau này là khả năng yêu, làm việc… Đối với Klein, trẻ nhỏ ban đầu bị chứa đụng trong thế giới huyễn tưởng (phantasy) bên trong, trẻ nhỏ phải đối diện với vấn đề chuyển từ thế giới bên trong sang thế giới bên ngoài_nơi có sự chia sẻ thực tại. Klein nhấn mạnh đến tiến trình nội tâm, đời sống nội tâm trong giai đoạn trẻ nhỏ đặt nền tảng cho sự nhận thức trong tương lai và khả năng cảm nhận. Bion (1967) nói về vai trò “chứa đựng” của người mẹ, chức năng tâm trí của người mẹ tạo khởi nguồn cho tâm trí trẻ nhỏ tiến tới hoạt động và liên kết thực tại.

Winnicott đào sâu về mối quan hệ mẹ-con. Ông cho rằng, mối gắn kết mẹ con là bản chất của khả thể tương lai, trẻ có thể kết hợp và tương tác với người khác trong sự trưởng thành và toàn vẹn hơn.

Lý thuyết của Jung cũng khẳng định mức độ quan trọng của giai đoạn trẻ thơ. Tuy nhiên, Jung cho rằng, những tác phẩm của Freud luôn là những tài liệu tốt nhất về giai đoạn trẻ thơ. Jung tập trung vào sự phát triển trong giai đoạn trưởng thành. Sự phát triển của cá nhân nằm ở những thách thức của cuộc sống trong suốt dòng đời của cá nhân đó_một hành trình cá nhân hóa. Cuối cùng, mỗi cá nhân đều hướng tới sự kết hợp, hợp nhất nhân cách. Đối với Lacan (1977), giai đoạn trẻ thơ là thời điểm quan trọng để tìm hiểu cách thức thế giới biểu tượng của ngôn ngữ và văn hóa hoạt động trên trẻ và ấn định một sự tha hóa (alienation) lên trẻ tách rời khỏi bản thể, điều mà trẻ không thể tránh khỏi trong sự phát triển cá nhân.

Sự phát triển bình thường và bệnh lý

Lý thuyết Phân tâm học bắt nguồn từ làm việc với những vấn đề bệnh lý. Phân tâm học nằm ở trường vực lâm sàng, các nhà Phân tâm học trị liệu những cá nhân bị rối loạn bởi các triệu chứng tâm bệnh (psychopathology). Lý thuyết Phân tâm giúp nhà trị liệu chữa trị những vấn đề tâm lý, điều mà trước đây được xem như không thể chữa trị. Ví dụ, liệu pháp Phân tâm giải quyết vấn đề lựa chọn trong chứng rối loạn nhân cách. Mô hình lý thuyết của Freud quan tâm đến những vấn đề Oedipus, được giới hạn trong thuật ngữ bệnh tâm căn (neurosis). Lý thuyết hậu-Phân tâm học đào sâu vấn đề trong giai đoạn tiền Oedipus. Đây có thể được xem như những rối loạn trong sự phát triển bản thể. Lý thuyết Phân tâm học nghiên cứu sự phát triển bệnh lý, điều này khiến các nhà trị liệu và lý thuyết có cơ hội để xem xét những bối cảnh thúc đẩy sự phát triển bệnh lý và chấn thương tâm lý trong sự phát triển của trẻ. Thông qua lý thuyết Phân tâm học, có thể nhận diện đâu là phát triển bình thường hay bệnh lý của một cá nhân.

Freud ( trong Richards & Dickson, 1977) và Klein (1946) tập trung vào thế giới nội tâm và các điều kiện thúc đẩy sự phát triển tâm bệnh. Winnicott nhấn mạnh tầm quan trọng của người chăm sóc ban đầu liên quan đến sự phát triển bình thường hay tâm bệnh. Ông phân tích bối cảnh dẫn tới sự thỏa hiệp trong sự phát triển của trẻ. Đối với Jung, đó là tiến trình kết hợp và cân bằng các sức mạnh đối lập của nhân cách. Mỗi nhà lý thuyết đều viết những chủ đề về tâm bệnh, họ cũng nghiên cứu sự phát triển bình thường cũng như những yếu tố thúc đẩy sự phát triển. Hầu hết các lý thuyết đều công nhận tầm ảnh hưởng của môi trường đối với vấn đề tâm bệnh. Một số lý thuyết nói về những yếu tố tiên nghiệm bẩm sinh như là vai trò của sự gây hấn bẩm sinh.

Biên dịch từ: Jacki Watts, Kate Cockcroft, Norman Ducan (Editors), Developmental psychology, Juta, 2013

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply