Có khi nào chúng ta thắc mắc ý nghĩa của giấc mơ đêm qua là gì? Đôi khi chúng ta có những hành động ngớ ngẩn mà không hiểu tại sao, đôi khi chúng ta có những vấn đề cơ thể nhưng không hề tìm ra được nguyên nhân thể lý nào. Bất chợt, ta quên mất một sự kiện quan trọng trong đời, một cái tên, một việc phải làm…

Con người chỉ ý thức được một phần rất nhỏ những gì diễn ra trong tâm trí họ, phần lớn còn lại chúng ta không biết nó là gì, đó là phần tâm trí được gọi là vô thức. Dần dần chúng ta quen dần với ý niệm về vô thức để giải thích cho những suy nghĩ, hành vi chúng ta thấy vô lý, không hợp bối cảnh, nó đã trở thành câu cửa miệng của hầu hết mọi người.

Đối với Phân tâm học, vô thức là một phần vô cùng quan trọng trong hệ thống lý thuyết cũng như trong thực hành trị liệu tâm lý. Phân tâm học được xây dựng trên nền nghiên cứu vô thức, từ khái niệm này, phân tâm học tỏa ra rất nhiều nhánh những vấn đề liên quan: sự hình hành nhân cách, quá trình con người chuyển từ động vật thuần túy sang sinh vật của ngôn ngữ và tư duy, những vấn đề tâm bệnh, văn hóa, chính trị. Trong tâm bệnh, phân tâm học coi những vấn đề bệnh lý tâm lý xuất phát từ vô thức. Nhà tâm lý thăm dò bệnh nhân không chỉ qua những triệu chứng, lời nói, hành vi… nhà tâm lý truy tìm một biển vô thức ẩn sau những triệu chứng ấy. Vấn đề không bao giờ nằm trên bề mặt, khi phân tích một hành vi của chính mình, có cả một chuỗi những sự kiện, kí ức, bối cảnh dẫn đến những hành vi đó.

Trước Freud (ông tổ của phân tâm học), chúng ta có một tràng lịch sử những người cố gắng hiểu những triệu chứng kì lạ, đặc biệt ở phụ nữ. Một số người bỗng dưng bị liệt trong khi không có bất kì tai nạn nào, bác sĩ cũng không thể tìm ra tổn thương nào ở hệ thần kinh. Một số phụ nữ có hiện tượng bầu giả, bụng của người phụ nữ lớn lên dần theo thời gian, các triệu chứng nghén xuất hiện nhưng trước thời gian đó, người phụ nữ ấy không hề có bất kì quan hệ tình dục nào. Và hàng tá những câu hỏi triết học xung quanh vấn đề vô thức: Chúng ta có một định mệnh sẵn có trước khi sinh ra hay chúng ta có thể tự do lựa chọn cuộc đời của chính mình, hay có một vị thần, thiên chúa nào đó sắp đặt cho chúng ta.

Đây mới là khởi đầu vấn đề, một điều chúng ta nên quan tâm tìm hiểu khi ai đó thắc mắc về chính mình.

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply