Lực lượng các cộng đồng Anti-fan hiện nay xem ra còn hùng hậu hơn lực lượng fan của người nổi tiếng nào đó. Thời thế có lẽ xem ra đã đảo ngược, điện ảnh thế giới đang hot những bom tấn về phản anh hùng (anti-hero), ở mình lại có anti-fan.

Nhắc đến cộng đồng anti-fan, lại nhớ tới đoạn văn kinh điển của nhà văn tài hoa Nam cao viết về Chí Phèo: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…”. Những cộng đồng này đặt cho chúng ta một vấn nạn: Chúng ta đang làm gì với chính cuộc đời của mình? Ý nghĩa những điều chúng ta làm là gì?

Trải qua những thời kì chiến tranh khốc liệt, chống Pháp, rồi chống Mỹ. Những người dân thời đó có một khát vọng, một ý nghĩa sống còn để tồn tại, “tự do hay là chết”. Mọi người cùng nhau chia sẻ một lý tưởng, một điểm nhìn cuộc sống, một ý thức hệ. Rồi đến thời kì sau chiến tranh, người dân Việt Nam chật vật cơm áo gạo tiền, phải chạy ăn từng bữa rau mắm, vất vả lắm mới đủ gạo ăn cho một ngày. Chính sự vất vả ấy cũng tạo nên một ý nghĩa sống còn “ăn hay là chết”. Mục đích đầy bản năng ấy lại là một sức nặng khiến con người ta bớt chênh vênh, người ta biết họ sống để làm gì vì cần phải thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trước khi thỏa mãn những nhu cầu cao hơn.

Bước sang thời kì hiện đại, chúng ta chẳng có một cuộc chiến tranh nào để chiến đấu, chúng ta đã tự do, ít nhất về mặt bên ngoài, trong bối cảnh tự do ấy, chữ “tự do” dần dần nhạt phai khiến chúng ta không còn quan tâm đến những ý nghĩa thời trước của cha ông, và chúng ta chẳng còn động lực nào để chiến đấu. Thời hiện đại cũng hiếm cảnh chạy ăn từng bữa, chật vật ngày đêm để kiếm manh áo mỏng manh mặc, mọi thứ hầu như có sẵn, chỉ cần một cú nhấn điện thoại, cả thế giới trong tầm tay. Không bị chật vật chạy ăn từng bữa một, không bị đe dọa đến sống chết vì thiếu cơm ăn, chúng ta đang nỗ lực về những nhu cầu cao hơn nhưng…thực sự càng ngày càng mơ hồ.

Chiến đấu vì tự do khiến người ta cảm thấy mình tồn tại, lăn lộn vì chạy ăn từng bữa khiến người ta thấy ý nghĩa cuộc sống, một thứ đáng để tồn tại, Chí Phèo chửi, rạch mặt để hắn thấy hắn tồn tại trong cái làng Vũ Đại…và cộng đồng anti-fan cũng chửi để thấy mình có ý nghĩa để tồn tại nhưng theo một cách khác. Rồi, có lẽ, cái cộng đồng này rảnh quá.

Chúng ta làm gì với cuộc đời của mình? Ngày đi làm, tối ngủ, ăn ba bữa, ngày nào cũng giống nhau. Cuộc sống dần dần trở nên nhàm chán, thiếu ý nghĩa, mất lý tưởng sống… Và hằng đêm, chúng ta lướt điện thoại như một vận động viên lướt sóng, cũng trải qua cao trào, những trạng thái bình lặng của cảm xúc, những ghen tức khi đứa bạn cùng xuất phát điểm như mình nhưng đã có nhà lầu xe hơi. Những thông tin về người nổi tiếng càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội khi chúng ta “lướt”. Nhiều người mơ ước có được cuộc sống như những người nổi tiếng: tiền tài, danh vọng. Nhưng hâm mộ họ thì chúng ta không cam, chúng ta phải làm điều gì đó khác biệt, chúng ta lập cộng đồng anti-fan.

Theo quan điểm Phân tâm học, vấn đề tạo khác biệt có liên quan đến Being (hiện hữu), một cá thể cảm thấy mình sống, mình tồn tại, cảm thấy giá trị nếu như họ khác với những cá thể khác. Giống như một từ trong văn bản tồn tại khi nó khác hàng nghìn, hàng vạn từ ngữ khác. Nghĩa là, những người trong cộng đồng anti-fan một cách vô thức muốn tìm being của mình. Bản thân những người ấy cũng có những vấn đề riêng của mình, họ chỉ đi tìm sự hiện hữu. Và có thể, họ cũng không hoàn toàn ý thức được những hành động của mình.

Có lẽ, chúng ta cần tìm kiếm một điều gì đó trong cuộc sống của chính mình, đối diện với chính những lo âu, sợ hãi, chật vật, ghen tị trong cuộc sống của mỗi người hơn là chửi cho sướng mồm…

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply