Nếu cho chúng ta một cơ hội quay trở lại quá khứ để sửa lại những điều chúng ta lầm lỡ, liệu rằng chúng ta có lựa chọn khác đi? “Giá như…” là câu cửa miệng của rất nhiều người vì chắc hẳn rằng hầu như mọi người đều nuối tiếc về một số điều nhất định trong những lựa chọn quá khứ của họ. Phải đến quá nửa những người đã lập gia đình nói rằng: “giá như…họ chưa lập gia đình, để có một cuộc sống tự do thoải mái”, có người không để chữ “giá như” thành một thứ mơ hồ, họ thực hiện luôn bằng cách kết thúc mối quan hệ hôn nhân, vì thế, chuyện ly hôn trong xã hội hiện đại là chuyện như cơm bữa. Nhưng điều kì lạ là, chúng ta rất dễ dàng mắc lại những lỗi sai trong quá khứ, dù chúng ta đã quyết tâm rất nhiều lần rằng không thể sai lầm nữa. Có những trường hợp lựa chọn rất nhiều người tình trong mối quan hệ yêu đương nhưng những người họ lựa chọn đều có vẻ giống nhau ở một điểm gì đó.

Những người phụ nữ bị bạo lực gia đình bởi chồng thường có một quá khứ bị bạo hành bởi một thành viên trong gia đình, đặc biệt là người cha. Họ phải trải qua những cơn sang chấn trầm trọng, khi phải là nạn nhân trong những cuộc bạo hành hoặc chứng kiến cảnh bố đánh mẹ. Đến khi bước sang đời sống cá nhân, sự chọn lựa của họ, họ lại bị bạo hành bởi chính chồng của mình. Không một người phụ nữ nào muốn bị bạo hành, nhưng sự lựa chọn của họ lại dẫn tới đời sống bị bạo hành trước đây. Đó luôn là những lựa chọn khá kì lạ, nhưng không hiếm thấy trong xã hội. Những câu chuyện, hoàn cảnh cứ lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có tự do ý chí để quyết định những lựa chọn của mình hay chúng ta bị quy định bởi định mệnh, của một thế lực nào đó nằm ngoài ý thức của chúng ta?

Sự tái lặp (repetition) là một chủ đề nghiên cứu lớn của Phân tâm học. Điều đầu tiên, phải khẳng định rằng, chúng ta không thể lựa chọn được gia đình sinh ra chúng ta, bố mẹ, cũng như hoàn cảnh gia đình chúng ta được đặt vào. Nhà triết học Heidegger gọi đó là hoàn cảnh chúng ta bị “ném vào”. Luôn luôn có những câu khẩu hiệu về sự công bằng giữa tất cả mọi người trong khi nhiều người phải chật vật kiếm ăn từng bữa, một số người khác thì sinh ra ở vạch đích. Vậy sự công bằng trong khi lựa chọn ở đâu ra bởi vì có những điều chúng ta không thể chọn lựa? Có người nói rằng, nó là hệ quả của những sự lựa chọn trước kéo theo những lựa chọn sau này, vậy thì cũng không có lựa chọn vì bản thân tự do ý chí của chúng ta phụ thuộc vào sự lựa chọn của các thế hệ trước. Kể cả có là tiền kiếp, người kiếp sau cũng khó tự do lựa chọn cho hoàn cảnh của kiếp đang sống.

Chúng ta không thể lựa chọn bối cảnh văn hóa nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Hầu hết các lý thuyết tâm lý đều cho rằng, bối cảnh văn hóa ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành nhân cách, có một vài lý thuyết còn tuyên bố chắc nịch rằng, bối cảnh văn hóa là thứ chính yếu quy định nhân cách con người. Sự lựa chọn cá nhân nằm trong khuôn khổ những lựa chọn của cộng đồng văn hóa, vậy có lẽ những sự lựa chọn nằm trong những list danh sách của một cộng đồng người cho trước, giống như vào quán ăn, có một menu cho sẵn và việc của chúng ta là lựa chọn những món ăn có sẵn cho trước. Tức là có những sự hữu hạn trong lựa chọn, đã là hữu hạn thì tự do ở đâu ra.

Có lý thuyết khẳng định bối cảnh văn hóa, hoàn cảnh gia đình hình thành nên nhân cách của một cá nhân. Nhân cách được hình thành từ sớm khi một đứa trẻ chưa hề ý thức được chúng có một nhân cách, nghĩa là chúng ta đã có một khung nhân cách, một cấu trúc nhân cách rất ổn định từ trước khi chúng ta có thể lựa chọn. Những lựa chọn sau này của chúng ta chỉ là tuân theo những cấu trúc, định mệnh có sẵn cho trước từ bối cảnh văn hóa, gia đình?

Những nghi vấn về tự do ý chí trong lựa chọn vẫn đang còn được tranh cãi, và có lẽ rất lâu sau này nữa. Điều chúng ta biết chắc là hiện tại chúng ta đang buộc phải có những khó khăn lựa chọn trong cuộc sống, có những lựa chọn là sống còn, và chúng ta đắn đo, lo âu, khắc khoải. Rồi, mọi chuyện có vẻ như là những sự tái lặp liên miên, vô tận…

By Trần Tình

Thạc sĩ Tâm lý học. Chuyên viên trị liệu tâm lý thanh thiếu niên và người lớn. Giảng viên thỉnh giảng Khoa Tâm lý học – ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội

Leave a Reply