Khi nhắc tới Phân tâm học hiện đại, không thể không nhắc tới một biểu tượng lớn gây rất nhiều tranh cãi trong giới học thuật cũng như thực hành trị liệu tâm lý, đó là nhà phân tâm học Pháp Jacques Lacan.

Lacan là một người có cá tính rất mạnh, một mình dám đương đầu, thách thức với cả truyền thống phân tâm học kể từ sau khi Freud qua đời. Ông cho rằng, các nhà phân tâm học thế hệ sau Freud đã ngày càng đi chệch khỏi suối nguồn ban đầu của phân tâm, các dòng phân tâm về sau diễn giải phân tâm không đúng như tinh thần ban đầu mà Freud đã gây dựng lên. Với tôn chỉ “Return to Freud”, Lacan đã dành cả đời của mình để đọc lại nguyên bản những tác phẩm của Freud, kết hợp với những lý thuyết đương đại đang rất phát triển thời bấy giờ: ngôn ngữ học, nhân chủng học, triết học, tập tính học…. Ông đã tạo ra một đế chế phân tâm của riêng mình, có thể nói, những lý thuyết của ông đã thay đổi bộ mặt cũ của phân tâm truyền thống và góp phần gây dựng nền tảng lý thuyết của kiến thức nhân loại. Một điều rất thú vị nữa, cùng với tài năng thiên tài của mình, Lacan có rất nhiều người tình, tương truyền rằng người ta không thể đếm hết số người tình của ông.

Ông sinh ra trong một gia đình Công giáo nhưng cả đời sau này có lẽ ông không còn giữ niềm tin ấy, ông cũng dành cho tôn giáo một vị thế khá quan trọng trong những phân tích của mình. Tôn giáo trở thành một đối tượng để phân tích dưới góc độ của phân tâm học Lacan. Từ nhỏ, Lacan đã đam mê triết học, đặc biết là triết học của Spinoza_ người bị khai trừ khỏi tổ chức Do Thái giáo và cả đời làm nghề mài kính. Người ta nói rằng, Lacan đã treo quanh nhà những bản văn của cuốn Ethics, một tác phẩm vô giá của Spinoza. Spinoza bị đánh giá là người theo thuyết phiếm thần luận, ông coi vạn vật đều hữu linh, tức có sự hiện diện của Thiên Chúa hay chính là Thiên Chúa. Có thể một phần xuất thân từ Công giáo nên Lacan có những quan tâm đặc biệt tới những tư tưởng của Spinoza. Chúa của người Công giáo là một vị Chúa yêu thương nhưng cũng đầy quyền lực, gần gũi nhưng cũng đầy xa cách, vừa có thể lại gần nhưng không ai dám đến. Những lý thuyết thần học của người Công giáo đả phá mạnh mẽ thuyết phiếm thần, nhưng có một điều mâu thuẫn là người Công giáo coi Thiên Chúa của họ hiện diện ở mọi nơi, họ lại phủ nhận các tạo vật là một phần của Thiên Chúa, một phần của Thiên Chúa chính là Chúa theo như thuyết phiếm thần. Họ cũng đã lên án thuyết của Meister Eckhart, người đã truyền cảm hứng rất nhiều cho các nhà thần bí tôn giáo.

Trong những năm 1930, chủ nghĩa siêu thực nở rộ như một phong trào cải cách những giá trị truyền thống của nền văn học nghệ thuật, Lacan góp mình vào một phần của chủ nghĩa siêu thực. Những tác phẩm văn học nghệ thuật không còn tuân theo những giá trị, quy ước, kĩ thuật, phong cách xưa cũ, nó đã chuyển mình để tiến gần hơn tới cái thực (real), người ta sáng tác bằng những cảm hứng vô thức. Trong lòng chủ nghĩa siêu thực, xuất hiện những bức tranh khá kì quái và có vẻ như vô nghĩa, những bài thơ với những cấu trúc rất lạ và chủ đề không rõ ràng. Có khá nhiều nghệ sĩ trong giới siêu thực có những vấn đề về tâm lý, một số người có những vấn đề loạn thần. Phân tâm học Lacan gắn bó khá chặt chẽ với chủ nghĩa siêu thực cùng với những nhà siêu thực Andre Breton, Georges Bataille, Salvador Dali, Pablo Picasso…

Năm 1936, tại hội nghị Phân tâm học quốc tế diễn ra tại Marienbed, Lacan trình bày lý thuyết về Giai đoạn gương (Mirror stage), Mirror stage được coi là một trong những đóng góp vĩ đại nhất của Lacan trong lý thuyết phân tâm học. Tuy nhiên, trước khi phiên thuyết trình của Lacan đi đến kết luận, người đứng đầu Hiệp hội phân tâm học quốc tế bấy giờ là Ernest Jones (người viết tiểu sử của Freud) đã cắt ngang bài trình bày của Lacan, đây có lẽ là một sự kiện gây sốc đối với Lacan vì trước đó có lẽ chưa từng có tiền lệ cắt ngang phiên trình bày của thành viên hiệp hội. Nhưng vốn là một nhân cách vô cùng mạnh mẽ, Lacan vẫn tiếp tục phát triển lý thuyết về giai đoạn gương của mình, đặt nền tảng cho rất nhiều lý thuyết sau này cũng như trong thực hành. Giai đoạn gương nói về một giai đoạn trong sự phát triển của trẻ nhỏ ở quãng 6-18 tháng tuổi, đây là giai đoạn cái Tôi được hình thành. Với những nghiên cứu của Tập tính học cho rằng các động vật phát triển những kĩ năng sinh tồn của mình thông qua bắt chước những hành vi của những con cùng đàn khác, gần với chúng nhất. Loài người chúng ta cũng tiến hóa từ động vật, các nét tổ tiên chúng ta vẫn còn in hằn trong những tập tính của loài người. Đặc biệt, một số vết tích não cổ xưa nằm ở phần đại não, chủ yếu là vùng chất trắng điều khiển những chức năng mang tính sinh tồn, bản năng. So với các loài động vật khác, trẻ nhỏ mới sinh ra không thể có được những vận động kết hợp nhuần nhuyễn, trẻ nhỏ bất lực trong việc điều khiển chính cơ thể của mình, mọi nhu cầu đều cần được đáp ứng nhờ người khác. Mặt khác, hệ thống thị giác của trẻ nhỏ phát triển một cách vượt bậc, đây là một kênh có thể giúp trẻ tiếp thu những hình ảnh trực quan, góp phần rất lớn hình thành cấu trúc nhân cách của mình. Tấm gương đối với trẻ nhỏ có thể là một tấm gương thật ngoài thực tế, cũng có thể là những người khác ở xung quanh trẻ, đặc biệt là những người chăm sóc ban đầu của trẻ. Điều này giải thích tại sao những thành viên trong gia đình đều có những thói quen, cử chỉ, hành vi rất giống nhau. Trẻ bắt chước những gì diễn ra xung quanh chúng, đặc biệt chúng rất thích thú khi được nhìn thấy những bạn ở độ tuổi tương đương, chúng vui, hò hét. Nhờ cơ quan thị giác, trẻ có một nhận thức ảo rằng mình có thể điều khiển được toàn bộ cơ thể của mình, cơ thể của chúng toàn vẹn, tuy nhiên, khi cố gắng điều khiển các cơ quan của mình, trẻ vẫn rơi vào trạng thái bất lực, vấn đề này tạo ra những xung đột bên trong trẻ và những cạnh tranh, ghen tuông với những bạn cùng lứa tuổi, hoặc ở gần độ tuổi của trẻ. Với giai đoạn gương, Lacan đặt ra một vấn đề lớn về cái Tôi (ego), Ego không phải là bẩm sinh, Ego là một sản phẩm trong quá trình phát triển của trẻ, vậy đâu là bản chất của một cá nhân khi những gì chúng ta có và đang nghĩ về mình chỉ là một lớp giả trang. Vì thế, chủ thể luôn là chủ thể của vô thức.

Các nhà tâm lý học cái Tôi (Ego-psychology) luôn hướng những lý thuyết của mình vào Ego, tập trung vào các cơ chế phòng vệ. Các kĩ thuật trị lệu của dòng Ego psychology cũng hướng về cái Tôi và mục đích làm cho Ego khỏe mạnh. Để đạt được điều này, nhà tâm lý phải là một người có cái Tôi khỏe mạnh. Nhưng chúng ta biết rằng, bản thân bất kì ai cũng có những vấn đề của riêng mình, bên trong họ luôn luôn phải giải quyết những xung đột nội tâm, những biến cố, lo âu… làm thế nào một người dám chắc rằng mình có một cái Tôi khỏe mạnh. Lacan phê phán mạnh mẽ dòng Tâm lý học cái Tôi, chúng ta không thể tập trung làm khỏe mạnh một phần tâm trí ảo, trôi nổi và chỉ là một phần của chủ thể vô thức.
Từ năm 1951 cho đến khi hết chặng đường cuộc đời của mình, Lacan tổ chức các seminar thu hút rất nhiều các tri thức Pháp ở mọi lĩnh vực. Đặc biệt, có rất nhiều tri thức tầm cỡ thế giới theo dõi những seminar của ông, trong đó có nhà triết học Michel Foucault, nhà nhân chủng học Levi Strauss, nhà triết học Louis Althusser… Lacan bàn về những vấn đề trọng yếu của Phân tâm có liên quan đến rất nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác. Những chủ đề Lacan trình bày thường rất rộng và sâu, đòi hỏi người nghe phải có một kho kiến thức liên ngành khổng lồ mới có thể hiểu được phần nào. Phong cách của Lacan phóng khoáng, hay chơi chữ, thích dùng những từ, những câu mang tính giật gân, gây sốc, ông rất hài hước nhưng đầy thâm thúy. Hình tượng Lacan như một vị thiền sư đắc đạo bên văn hóa phương Đông và quả thực không ai có thể đo tầm mức vĩ đại của bộ óc Lacan. Lacan có viết một cuốn sách kinh điển về Phân tâm học, đó là cuốn Ecrits, mặc dù ông không thích để lại những di sản sách vở, những gì ông truyền dạy phải mang tính “trực chỉ tâm minh” bằng những hình thức đối thoại như thời đại của những nhà triết học Hi Lạp cổ đại xưa. Ông nói rằng ông viết Ecrits không phải để cho người đọc hiểu, cũng không phù hợp với trường lớp học viện. Quan điểm của Lacan luôn luôn có những nét khó hiểu và độc đáo như thế.

Nhờ Lacan chúng ta có những câu nói kinh điển trường tồn: Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ (the unconscious is structured like a language); Phụ nữ không tồn tại (Woman does not exist); There’s no such thing as a sexual relationship…
Chắc chắn một điều rằng, những giá trị của Lacan sẽ tiếp tục được khai phá trong những thế hệ hiện tại và tương lại, Lacan là một tượng đài bất tử…