Melanie Klein_một trong những nhà nữ phân tâm học đầu tiên, người sáng lập ra một học thuyết và một trường phái Phân tâm học lớn: Mối quan hệ đối tượng (Object-relations). Học thuyết phân tâm của Melanie Klein ảnh hưởng lớn tới những lý thuyết phát triển nhân cách, những quan điểm về trẻ nhỏ, những vấn đề tâm bệnh và thuyết nữ quyền. Rất nhiều nhà phân tâm học sau này chịu ảnh hưởng của Klein như Julia Kristeva, Donald Meltzer, Hanna Segal, Juliet Mitchell… Bản thân Lacan cũng dành nhiều quan tâm đến học thuyết của Klein với những đánh giá nhất định trong lý thuyết về trẻ nhỏ và những phân tích, phê bình.

Melanie Klein sinh năm 1882 trong một gia đình Do Thái tại Vienna, giống như tất cả mọi người, bà cũng phải đấu tranh chật vật với những khủng hoảng nội tâm và những sự thất vọng trong cuộc sống. Ở trường học, Klein là một học sinh ưu tú. Để thực hiện ước mơ được làm bác sĩ của mình, Klein chuyển đến một trường trung học có đủ điều kiện để bà bước vào cánh cửa đại học. Nhờ những trợ giúp của anh trai, Klein vượt qua các bài kiểm tra cần thiết ở các môn tiếng Hi Lạp và Latinh. Bà tỏ ra là người đầy tham vọng khi ở độ tuổi còn trẻ, luôn luôn tập trung vào những mục tiêu bà đặt ra. Klein đặt quyết tâm trở thành bác sĩ ngay khi còn là thiếu niên, việc một phụ nữ được đào tạo y học trong thời bấy giờ đang còn khá hiếm bởi những chuẩn mực khắt khe về phụ nữ.

Sự thật là, Klein chưa bao giờ đến được trường y. Cha của Klein là một nha sĩ không thành công dù đã được đào tạo bài bản về y khoa. Năm Klein 19 tuổi, gia đình gả bà cho một kĩ sư hóa học là bạn của anh trai Arthur Klein, người đã có cảm tình với Klein từ khi cô 17 tuổi. Klein phải đối mặt với một cuộc sống hi sinh vì gia đình. Cảm giác khi phải từ bỏ ước mơ vào trường y khi còn quá trẻ khiến Klein rơi vào tình trạng thất vọng tột độ vì bản chất bà rất thông minh và tràn đầy nhiệt huyết.

Gia đình Melanie Klein có những quan niệm khá mở, cha của bà thay vì trở thành một Rabbi theo ý của cha mẹ, ông đã chọn học y khoa. Mẹ của Klein là một phụ nữ khỏe mạnh, bà là lao động chính trong gia đình. Có lẽ, tất cả những điều này đều có tác động lớn tới Klein, tính hiếu kì, ham học và đam mê y học.
Quãng năm 1900, anh trai của Klein bỏ dở học y khoa vì bệnh lao, ông đi du lịch quanh Mediterranean vì lý do sức khỏe, trong thời gian đó, ông viết thơ. Ông mất trong cuộc hành trình của mình tại Genoa năm 1901. Klein có quan hệ khá gần gũi với anh trai và thế giới của anh trai bà. Anh trai bà đã khuyến khích Klein làm thơ từ khi lên 9. Cái chết của ông là nỗi mất mát to lớn đối với Klein và gia đình bà. Trước đó, khi chỉ mới 4 tuổi, Klein cũng mất một người chị là Sidonie vì bệnh lao phổi như thế.

Chồng của Klein tìm được việc ở Budapest, gia đình nhỏ rời Vienna. Klein sinh được ba người con: hai trẻ là Melitta (1904) và Hans (1907), người con thứ ba là Erich sinh năm 1914. Những năm cuối đời, Klein chia sẻ rằng, trước khi cưới bà vô cùng lưỡng lự, đám cưới chính là một sai lầm trong cuộc đời của bà. Klein và chồng ly thân nhau vào năm 1920. Rõ ràng, Klein không hài lòng với vận mệnh được sắp đặt của mình. Vì thế, không ngạc nhiên khi bà bị hành hạ bởi những cơn trầm cảm sau khi sinh con-chứng bệnh trầm cảm sau sinh khá phổ biến. Trầm cảm sau sinh được cho là có liên quan đến sự mất cân bằng hormone khi thai nghén, sinh con và cho con bú. Tuy nhiên, hoàn cảnh cá nhân cũng ảnh hưởng rất lớn đến chứng trầm cảm sau sinh, cách chúng ta phản ứng với các sự kiện đời sống cũng như các chức năng cơ thể. Đối với trường hợp của Klein, vấn đề trầm cảm có thể một phần nguyên nhân bà rời xa Vienna, xa gia đình của bà vì công việc của chồng.

Cùng với cuộc hôn nhân không hạnh phúc, năm 1914, vấn đề trầm cảm của bà lại phát sinh khi sinh đứa trẻ thứ ba và cú sốc cái chết của mẹ Klein (chưa đề cập đến sự tàn phá của chiến tranh). Klein (có lẽ cả chồng) nghĩ rằng bà cần có sự trợ giúp từ các chuyên khoa tâm lý. Những dịch vụ tâm lý khá hiếm hoi thời đó.
Melanie phải trải qua một tuổi thơ và tuổi trẻ không mấy hạnh phúc, cùng chứng trầm cảm dai dẳng. Sau những biến cố, khủng hoảng, Klein gặp được Phân tâm học như một định mệnh thay đổi toàn bộ cuộc sống của bà và đã gây dựng nên một học phái mang tên Kleinian. Có lẽ, lý thuyết về các giai đoạn trầm cảm, loạn thần trong sự phát triển cá nhân được khai sinh ra từ chính cuộc đời của Klein. Đối với bà, cuộc sống luôn luôn là một cuộc chiến giữa xung năng sống và xung năng chết – một cuộc chiến tồn tại suốt đời…
Tham khảo:
- Robert Hinshelwood, Tomarz Fortuna, Melanie Klein: The basic, Routledge, 2018
- Robert Hinshelwood, Introducing Klein, Icon books Ltd, 2013
- https://melanie-klein-trust.org.uk/