Đây là khái niệm nòng cốt trong Phân Tâm học, ý tưởng về phức cảm Oedipus khởi nguồn từ thần thoại Hi Lạp kể về chàng Oedipus vô tình giết chết cha Laius cua mình và cưới mẹ Jocasta. Khi nhận thấy định mệnh khốn khổ của mình đã hoàn thành, chàng tự chọc mù đôi mắt của mình.
Phức cảm Oedipus nói về sự thu hút của trẻ hướng về cha mẹ có giới tính đối lập với mình và ghen tương với cha mẹ có cùng giới tính. Mặc dù phức cảm Oedipus là trung tâm thuyết phát triển con người của Freud nhưng không có một công trình riêng biệt nào Freud viết về chủ đề này.
Trong thuật ngữ trường phái Phân tâm Lacan, phức cảm Oedipus đánh dấu bước chuyển từ mối quan hệ “loạn luân” của trẻ với người mẹ sang mối quan hệ bộ ba với vai trò và quyền lực của người cha hay THE NAME OF THE FATHER được công nhận. Sự thất bại trong bước chuyển này đối với nhiều nhánh trong Phân Tâm học được coi như căn nguyên gây ra chứng Tâm Căn. Những người theo dòng Freudian xác định thời điểm diễn ra phức cảm Oedipus là từ 3-5 tuổi, Klein tuyên bố rằng giai đoạn Oedipus này diễn ra sớm hơn.

Câu chuyện về Oedipus xuất hiện trong những tác phẩm ban đầu của Freud. Trong một bức thư gửi Fliess ngày 17 tháng 10 năm 1897, Freud viết rằng Hoàng đế Oedipus của Sophocles là một giai thoại giá trị vì nó ẩn chứa tình yêu dành cho người mẹ và sự ghen tương với người cha, đó là một ‘sự kiện phổ quát trong thời thơ ấu’. Tuy nhiên, thuật ngữ “Phức cảm Oedipus chưa được sự dụng cho đến năm 1910.
Lúc đầu, Phức cảm Oedipus chỉ cảm giác của trẻ trai về mẹ của mình như một đối tượng tình dục và người cha như đối tượng cạnh tranh của trẻ. Tuy nhiên, những mô tả của Freud về “hiện tượng phổ quát” dần trở nên phức tạp hơn khi ông kết hợp phức cảm Oedipus với những nghiên cứu về ‘lý thuyết tính dục của trẻ nhỏ’. Những lý thuyết này nỗ lực diễn giải sự khác biệt giới và giả định ban đầu chỉ tồn tại “nam tính”, các cô bé không có bộ phận sinh dục nam do đã bị thiến (1923b), sự thiến hoạn tương đương với sự mù lòa của Oedipus. Một cô bé có thể tin rằng mình đã bị thiến bởi người mẹ ghen tuông_người cũng có xu hướng tình dục với người cha, trong khi đó, trẻ trai cũng sợ hãi bị người cha của mình thiến. Điều này dẫn tới các cậu bé sẽ chấp chận hiện thực bị đe dọa thiến và đồng nhất với người cha của mình, nhờ đó, Phức cảm Oedipus được giải quyết. Đối với nữ, vấn đề này càng khó khăn hơn. Sự giải quyết Phức cảm Oedipus đòi hỏi sự chấp nhận “nữ tính” hướng về người cha và thay thế dục vọng có lại ‘dương vật’ đã bị mất bằng việc sinh em bé (1924b).

Mặc dù Lacan theo Freud coi Phức cảm Oedipus là giai đoạn phát triển chính của con người, Lacan biến đổi khái niệm này một số cách nhất định. Lacan sử dụng khái niệm biểu tượng PHALLUS để phân biệt với ‘dương vật sinh học’, Phức cảm Oedipus đối với Lacan là giai đoạn chuyển từ phổ tự nhiên sang phổ văn minh hóa được mô tả trong những công trình của Levi-Strauss. Giải quyết thành công Phức cảm Oedipus, con người sẽ tiến vào vùng BIỂU TƯỢNG.
Nguồn: David Macey, Dictionary of critical theory, Penguin, 2001