Nhiều người đã từng nghe về ‘chủ nghĩa hiện sinh’ cũng như một vài khái niệm mơ hồ của nó. Một vài người có thể coi chủ nghĩa hiện sinh liên quan tới những vấn đề phi luân lý hay nỗi tuyệt vọng, hay xem chủ nghĩa hiện sinh là một bộ môn học thuật, ít liên quan tới đời sống hằng ngày. Thực sự, có rất nhiều đóng góp của các nhà hiện sinh trong triết học, nghệ thuật, văn học, khoa học và nhiều lĩnh vực khác. Chủ nghĩa hiện sinh thúc đẩy những cá nhân tìm ra con đường tiến tới chân lý phổ quát của những bậc vĩ nhân tư tưởng.

Có lẽ, một trong những lý do khiến chủ nghĩa hiện sinh có những khái niệm tràn lan là do nó chống lại những cách định nghĩa ngắn gọn. Cùng lý giải vấn đề này: Thứ nhất, chủ nghĩa hiện sinh không phải là một học thuyết thống nhất, nó được gây dựng từ nhiều nhánh lý thuyết xung quanh nó. Quả thực, chủ nghĩa hiện sinh có nhiều tâm điểm khác nhau ở vị trí đối xứng và vẫn đang gây những tranh luận sôi nổi về các vấn đề hiện sinh cho đến tận ngày nay. Về mặt đức tin, chúng ta có Kaufman và Nietzsche tuyên bố Chúa đã chết, trong khi Tillich hô hào về một đức tin quay trở lại với thượng đế. Thứ hai, có rất nhiều những định nghĩa trái chiều về chủ nghĩa hiện sinh dọc theo các thời kì lịch sử thường được nhắc tới như những phong trào văn hóa thế kỉ XX hay chủ nghĩa hiện sinh bắt nguồn từ giữa thế kỉ XIX, mạnh mẽ lên trong thế kỉ XX. Nếu không có Kierkegaard (1813-1855) và Nietzsche (1844-1900) chưa chắc chủ nghĩa hiện sinh đã tồn tại. Thực tế, những chủ đề của chủ nghĩa hiện sinh đã xuất hiện trong những tác phẩm của Aristotle và Plato, Kinh Thánh Cựu Ước và trong sử thi Gilgamesh và cả trong những lời dạy của Đức Phật. Cuối cùng, thêm phần rối rắm, nhiều triết gia, nhà văn được gắn mác nhà hiện sinh_họ chống lại cái nhãn mác hiện sinh ngay trong khi họ còn sống.

Định nghĩa chủ nghĩa hiện sinh bởi những điều mà nó không là, những điều đối lập với nó. Nhiều người xem chủ nghĩa hiện sinh là một mặt đối lập với triết học truyền thống và chủ nghĩa duy lý của Thời đại khai sáng, tiêu biểu như Decartes hay Spinoza (Crowell định nghĩa chủ nghĩa hiện sinh là cách tiếp cận phủ nhận triết học theo hệ thống, bản thân nó cũng phủ nhận một triết học hệ thống của chính mình). Một số định nghĩa khác về chủ nghĩa hiện sinh như những phản ứng chống lại những giá trị xã hội cố kết và những tổ chức như tôn giáo, chống lại những sự kiểm soát của các giá trị cũ của một văn hóa hay tổ chức. Tuy nhiên, cũng có một vài định nghĩa khá tiêu cực về chủ nghĩa hiện sinh chẳng giúp chúng ta mường tượng thế nào là chủ nghĩa hiện sinh. Có người só sánh chủ nghĩa hiện sinh như loại nhạc rốc dữ dội, chẳng phải rock cũng chẳng phải jazz…

Cuối cùng, chủ nghĩa hiện sinh có liên quan đến những vấn đề cơ bản của tồn tại làm người. Nó là một thứ triết học tiếp cận những trải nghiệm của chúng ta, thế giới, những mối liên hệ và những điều chúng ta gọi là “cái tôi”. Chủ nghĩa hiện sinh không phủ nhận những giá trị của khoa học tự nhiên, nó chỉ ra rằng chúng ta không thể định nghĩa chính mình chỉ bằng những thuật ngữ khoa học ấy. Tồn tại người có thể được hiểu thông qua đời sống trải nghiệm và những gì chúng ta đang trở thành. Thông qua việc hiểu những vấn đề phổ quát, chúng ta đối diện với tồn tại người, tự do, trách nhiệm, ý nghĩa, sự cô đơn, cái chết và lo âu. Chủ nghĩa hiện sinh bàn về đời sống và những thách thức, bàn về chúng ta như những cá nhân và trong mối liên hệ với những người khác, cách mà chúng ta đi trong cuộc hành trình từ khi sinh ra đến khi chết đi, về tất cả những gì chúng ta là và sẽ trở thành. Chủ nghĩa hiện sinh, đơn giản là về tồn tại người….
Tham khảo: Susan Iacovou, Karen Weixel-Dixon, Existential therapy, Routledge, 2015